Có hai loại rủi ro tác động tới khối lượng đầu tư mà thông thường người ta không phân biệt rõ, nhưng việc
phân biệt đó lại rất quan trọng. Trước hết là sự rủi ro của nghiệp chủ hay của người đi vay, vì những người này
không tin chắc về khả năng thực sự thu được lợi nhuận trong tương lai như họ hy vọng. Nếu một người dùng
chính tiền vốn của mình để đầu tư, thì đây là sự rủi ro duy nhất mà họ phải chịu.
Nhưng khi có một hệ thống vay và cho vay, tôi muốn nói khi người ta đồng ý cho vay tiền với sự bảo chứng
bằng động sản hoặc bất động sản, thì có một sự rủi ro thứ hai mà ta có thể gọi là sự rủi ro của người cho vay. Sự
rủi ro này có thể xảy ra do sự liều lĩnh về đạo đức, nghĩa là do vỡ nợ tự nguyện hay do tìm cách lẩn tránh có thể là
hợp pháp việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc do thiếu tiền bảo chứng, tức là vỡ nợ ngoài ý muốn vì dự kiến bị đổ
vỡ. Một loại rủi ro thứ ba có thể được kể thêm ở đây là sự biến động tai hại về giá trị của bản vị tiền tệ khiến cho
khoản cho vay bằng tiền kém đảm bảo hơn so với một bất động sản, mặc dù toàn bộ hay một phần lớn sự rủi ro
này đã được phản ánh, và do đó được đưa vào trong giá của các tài sản lâu bền.
Bây giờ, xét theo một nghĩa nào đó, loại rủi ro thứ nhất là một chi phí xã hội thực tế. Rủi ro này có thể được
giảm nhẹ đi khi được rải đều cho mọi người hay khi được dự báo chính xác hơn. Trái lại, loại rủi ro thứ hai là một
phần thêm thuần tuý vào chi phí đầu tư mà lẽ ra không có, nếu như người cho vay và người đi vay chỉ là một. Hơn
nữa, nó còn bao hàm một phần sự tăng gấp đôi tỷ lệ rủi ro của nghiệp chủ. Khi muốn tính số lợi nhuận tương lai
tối thiểu để đầu tư, nghiệp chủ phải tính hai lần rủi ro này vào phần lãi suất thuần tuý. Nếu công việc kinh doanh
tỏ ra có nhiều rủi ro và khá bấp bênh, người đi vay vốn sẽ phải đòi hỏi có một mức chênh lệch lớn hơn giữa triển
vọng về lợi nhuận và lãi suất phải trả, và do đó phải có một sự cân nhắc thận trọng khi bắt tay vào kinh doanh,
trong khi đó người cho vay cũng đòi hỏi một mức chênh lệch lớn hơn giữa mức lãi suất đòi hỏi và lãi suất thuần
tuý (trừ khi người đi vay là một người có thế lực và giàu có khiến cho người cho vay cảm thấy có một sự đảm bảo
đặc biệt). Hy vọng về một kết quả rất thuận lợi có thể bù đắp cho mối lo ngại về rủi ro trong tâm tư của người đi
vay, nhưng nón không thể làm cho người cho vay trở nên mạnh dạn hơn.
Việc tính hai lần một phần rủi ro này, theo tôi biết từ trước đến nay không được nhấn mạnh, nhưng trong một
số trường hợp, việc tính này có thể khá quan trọng. Vào thời kỳ kinh tế phồn vinh, thông thường mọi người ước
lượng mức độ rủi ro một cách không thận trọng cả về phía người vay lẫn người cho vay là quá thấp.
V
Đồ thị hiệu suất biên của vốn có một tầm quan trọng cơ bản, vì chính thông qua yếu tố này (hơn là thông qua
lãi suất) mà mọi dự tính về tương lai ảnh hưởng tới hiện tại. Việc xem xét một cách sai lầm hiệu suất biên của tiền
vốn chủ yếu căn cứ vào lợi tức hiện tại của máy móc thiết bị sản xuất chỉ đúng trong tình trạng một nền kinh tế
tĩnh mà trong đó không có sự thay đổi tương lai nào ảnh hưởng tới hiện tại. Sai lầm này đã đưa đến kết quả là phá
vỡ mối liên hệ về mặt lý thuyết giữa hiện tại và tương lai. Ngay cả lãi suất
về thực chất là một hiện tượng hiện
hữu, và nếu chúng ta quy hiệu suất biên của vốn về cùng một hiện trạng, thì tức là chúng ta từ bỏ không tính đến
ảnh hưởng của tương lai trong khi chúng ta phân tích sự cân bằng hiện nay.
Lý thuyết kinh tế ngày nay đều dựa trên các giả thiết về tình trạng tĩnh, nên nó kém phần thực tế. Tuy nhiên,
việc đưa vào lý thuyết kinh tế các khái niệm về chi phí sử dụng và hiệu suất biên của vốn như đã định nghĩa ở
trên, sẽ có tác dụng làm cho lý thuyết này trở lại với thực tế và thu hẹp đến mức tối thiểu mức độ thích nghi cần
thiết.
Chính nhờ sự tồn tại của máy móc thiết bị lâu bền mà tương lai của nền kinh tế được gắn với hiện tại. Quan
điểm cho rằng dự tính tương lai sẽ ảnh hưởng tới hiện tại qua giá cầu về máy móc thiết bị lâu bền là một việc có
thể dung hoà và phù hợp với nguyên tắc tư tưởng của chúng ta.
Vì muốn đơn giản hoá việc trình bày, tôi đã bỏ qua không bàn đến sự phức tạp của lãi suất và chiết khấu theo các khoảng thời gian khác nhau trước
khi thu được lợi tức triển vọng từ tài sản. Nhưng không có gì khó khăn trong việc xác định các lý lẽ để bảo vệ luận điểm này.