hơn do kỹ thuật được cải tiến. Lúc đó, những máy móc, trang bị này có thể được bù lại và còn có lãi ngay cả khi
sản lượng của chúng được bán ra với giá thấp hơn. Mặt khác, lợi nhuận của nghiệp chủ (tính bằng tiền) thu được
nhờ máy móc, thiết bị của họ, dù cũ hay mới, sẽ bị giảm sút, nếu toàn bộ sản lượng được sản xuất ra với giá rẻ
hơn. Theo đà tiến triển như thế, hiệu suất biên của vốn ngày nay bị giảm một cách tương ứng.
Đây là yếu tố khiến cho dự tính về những biến động trong giá trị của tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến khối lượng sản
phẩm hiện tại. Dự kiến về một sự giảm sút giá trị của tiền tệ sẽ khuyến khích đầu tư, và do đó sẽ tăng số công việc
làm nói chung, bởi vì nó nâng cao đồ thị hiệu suất biên của vốn, tức là đường cầu về đầu tư, và dự kiến về sự nâng
cao giá trị tiền tệ sẽ làm giảm đầu tư vì nó hạ thấp đồ thị hiệu suất biên của vốn.
Đây là sự thật chứa đựng trong lý thuyết của giáo sư Irving Fisher mà thoạt đầu ông gọi là “Tăng giá trị tiền
tệ và tiền lãi” (Appreciation and interest). Lý thuyết này phân biệt lãi suất danh nghĩa (money rate of interest) với
lãi suất thực tế (real rate of interest), hai loại lãi suất này bằng nhau sau khi có sự điều chỉnh căn cứ vào những
biến động về giá trị của tiền tệ. Thật khó mà hiểu được lý thuyết này, bởi vì không rõ là biến động về giá trị tiền tệ
liệu có thể giả định là dự đoán trước được không. Người ta không có cách gì thoát khỏi sự tiến thoái lưỡng nan vì
nếu nó không được dự đoán trước, nó sẽ không có tác động nào tới công việc hiện tại; ngược lại, nếu nó được dự
đoán trước, giá cả các hàng hoá hiện có sẽ được điều chỉnh lại ngay tức thì sao cho việc giữ tiền và giữ hàng hoá
trở lại cân bằng với nhau. Khi đó, sẽ là quá muộn để cho những người giữ tiền được lợi hay bị thiệt do biến động
về lãi suất mà sẽ bù trừ biến động dự kiến giá trị của đồng tiền lúc cho vay trong thời gian cho vay. Đối với sự nan
giải nói trên, giáo sư Pigou đã không thành công trong việc tránh khỏi sự bế tắc trên, khi ông ta cho rằng những
biến động tương lai về giá trị tiền tệ có thể được dự đoán trước bởi một nhóm người này mà không được dự đoán
trước bởi một số người khác.
Sự sai lầm là do ở chỗ người ta cho rằng lãi suất chịu tác động trực tiếp của những biến động dự kiến về giá
trị tiền tệ, thay vì hiệu suất biên của một khối lượng vốn nào đố. Giá của những tài sản hiện tại sẽ luôn luôn tự
điều chỉnh tuỳ theo những biến động được dự kiến về giá trị tương lai của tiền tệ. Ý nghĩa của những biến động
như vậy là ở chỗ chúng tác động tới mức độ sẵn sàng sản xuất ra những của cải mới thông qua tác động phản hồi
của chúng đối với hiệu suất biên của vốn. Tác động kích thích của dự kiến giá cả tăng lên cao hơn không phải là
do lãi suất tăng (đó sẽ là một cách kích thích nghịch lý đối với sản xuất; trong chừng mực lãi suất tăng, tác động
kích thích bị bù trừ theo với mức đó), mà là do hiệu suất biên của một khối lượng tiền vốn tăng lên. Nếu lãi suất
cũng tăng lên cùng nhịp độ với hiệu suất biên của vốn, thì việc dự kiến giá cả tăng lên sẽ không có tác động kích
thích nào cả. Sự thúc đẩy sản lượng tuỳ thuộc vào hiệu suất biên của một khối lượng tiền vốn nhất định tăng lên so
với lãi suất. Thực vậy, lý thuyết của giáo sư Fisher có thể được viết lại thông qua “lãi suất thực tế” được định
nghĩa như là lãi suất phải được áp dụng sau khi có sự thay đổi tình trạng dự kiến về giá trị tương lai của tiền tệ
khiến cho sự thay đổi này sẽ không có tác động nào tới sản lượng hiện tại
Cần phải ghi nhận rằng dự kiến về lãi suất bị hạ thấp trong tương lai sẽ gây ảnh hưởng làm hạ thấp đồ thị
hiệu suất biên của vốn, vì điều này có nghĩa là sản lượng do máy móc sản xuất ra ngày nay phải cạnh tranh trong
một phần của thời gian sử dụng nó với sản lượng do máy móc thiết bị sản xuất ra sau này với sự sẵn sàng chấp
nhận một lợi tức thấp hơn. Dự kiến này không gây một tác động làm nản lòng người sản xuất vì những dự tính về
các mức lãi suất sẽ được áp dụng cho các thời hạn khác nhau trong tương lai đều được phản ánh một phần nào các
mức lãi suất đang được áp dụng ngày nay. Tuy nhiên, cũng có thể có một ảnh hưởng làm nản lòng nào đó, bởi vì
sản lượng làm ra vào gần cuối thời gian sử dụng các máy móc hiện nay, có thể sẽ phải cạnh tranh với sản lượng
của những máy móc thiết bị mới hơn nhiều. Các máy móc mới này sẵn sàng chấp nhận lợi tức thấp hơn vì lãi suất
thấp hơn sẽ được áp dụng cho giai đoạn cuối tuổi thọ của thiết bị hiện nay.
Điều quan trọng là phải hiểu rõ sự lệ thuộc của hiệu suất biên của một số vốn nào đó vào những thay đổi về
dự tính, bởi vì chủ yếu chính sự lệ thuộc này làm cho hiệu suất biên của vốn chịu những biến động khá mạnh. Đó
là sự giải thích về chu kỳ kinh tế. Trong chương 22 dưới đây chúng tôi sẽ chứng minh sự luân phiên giữa các thời
kỳ phồn vinh và suy thoái kinh tế thông qua những biến động về hiệu suất biên của tiền vốn so với lãi suất.
IV