đầu từ những vấn đề đã được nhất trí.
Trong trường phái tân cổ điển cho rằng tiết kiệm và đầu tư thực ra có thể coi không bằng nhau, thì trường
phái cổ điển đã chấp nhận quan điểm là chúng không bằng nhau. Chẳng hạn, Marshall đã tin chắc, mặc dầu không
nói rõ như vậy, rằng tiết kiệm và tổng đầu tư là nhất thiết bằng nhau. Thật vậy, hầu hết những người theo trường
phái cổ điển đều quá tin vào điều này, vì họ chằng mỗi hành động tiết kiệm thêm của một cá nhân nhất định sẽ dẫn
tới một hành động tương ứng làm tăng thêm đầu tư. Cũng không có sự khác biệt đáng kể theo nghĩa này giữa đồ
thị hiệu quả biên của vốn hoặc đường cầu về đầu tư của tôi với đường cầu về vốn theo suy luận của một số tác giả
cổ điển đã được trích dẫn ở trên. Khi chúng ta đề cập đến thiên hướng tiêu dùng và hiệu quả của nó là thiên hướng
tiết kiệm, thì chúng ta đã tiến gần hơn tới sự khác biệt về quan điểm vì họ nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng của lãi
suất đối với thiên hướng tiết kiệm. Nhưng hình như họ không muốn phủ định rằng mức thu nhập cũng có ảnh
hưởng quan trọng đối với lượng tiền tiết kiệm; còn tôi, tôi cũng không phủ định rằng lãi suất có thể có ảnh hưởng
(mặc dầu không phải loại ảnh hưởng như họ giả thiết) đối với lượng tiền tiết kiệm từ một mức thu nhập nhất định.
Tất cả những điểm nhất trí này có thể tóm tắt thành một định đề mà trường phái cổ điển có thể chấp nhận và tôi
cũng không chóng lại, cụ thể là, nếu giả thiết mức thu nhập là cho trước, thì chúng ta có thể suy ra rằng lãi suất
hiện hành phải nằm ở điểm mà tại đó đường cầu về vốn tương ứng với những lãi suất khác nhau cắt đường biểu
diễn những lượng tiền tiết kiệm từ mức thu nhập cho trước tương ứng với những lãi suất khác nhau.
Nhưng chính tại điểm này, một nhược điểm rành rành đã len vào lý thuyết cổ điển. Nếu từ định đề trên trường
phái cổ điển chỉ suy ra rằng khi biết đường cầu về vốn và ảnh hưởng của những biến động về lãi suất đối với ý
muốn sẵn sàng tiết kiệm từ các khoản thu nhập, thì giữa mức thu nhập và lãi suất phải có mối quan hệ đơn trị -
Thế thì chẳng còn gì mà tranh cãi. Hơn nữa, định đề này dĩ nhiên có thể dẫn tới một định đề khác bao hàm một
chân lý quan trọng, tức là khi biết được lãi suất cũng như đường cầu về vốn và ảnh hưởng của lãi suất đối với ý
muốn sẵn sàng tiết kiệm từ những mức thu nhập nhất đinh, thì mức thu nhập phải là nhân tố làm cho lượng tiết
kiệm bằng lượng đầu tư. Nhưng trên thực tế lý thuyết cổ điển không chỉ bỏ qua ảnh hưởng của những biến động
về mức thu nhập, mà còn phạm một sai lầm lớn.
Vì lý thuyết cổ điển, như có thể thấy từ những trích dẫn ở trên, giả định rằng nó có thể tiến hành nghiên cứu
tác động (chẳng hạn) của một chuyển dịch của đường cầu về vốn đối với lãi suất, mà không loại bỏ hoặc sửa đổi
giả thuyết về lượng thu nhập nhất định mà từ đó tính ra một phần để tiết kiệm. Những biến số độc lập trong lý
thuyết cổ điển về lãi suất là đường cầu về vốn và ảnh hưởng của lãi suất đối với lượng tiết kiệm từ một khoản thu
nhập nhất định; và khi (chẳng hạn như) đường cầu về vốn dịch chuyển, thì lãi suất mới, theo lý thuyết này, được
xác định bởi giao điểm giữa đường cầu mới về vốn với đường biểu diễn mối quan hệ phụ thuộc giữa lãi suất với số
tiền sẽ được tiết kiệm từ khoản thu nhập xác định. Lý thuyết cổ điển về lãi suất dường như giả định rằng nếu
đường cầu về vốn dịch chuyển hoặc nếu đường biểu diễn mối quan hệ giữa lãi suất với lượng tiết kiệm từ một
khoản thu nhập nhất định dịch chuyển hoặc nếu cả hai đường này dịch chuyển, thì lãi suất mới sẽ được xác định
bởi giao điểm của hai đường này ở trong vị trí mới. Nhưng đó là một luận thuyết vô nghĩa. Vì giả thiết rằng thu
nhập là không đổi, thì giả thuyết đó là không ăn khớp với giả thuyết cho rằng hai đường này có thể dịch chuyển
độc lập với nhau. Nếu một trong hai đường này dịch chuyển thì, nói chung, thu nhập sẽ thay đổi, với hậu quả là sự
sụp đổ của toàn bộ cơ cấu dựa trên giả thuyết về một mức thu nhập cố định. Có thể cứu vãn tình hình này bằng
một giả thuyết phức tạp nào đó đảm bảo sự tự động thay đổi về đơn vị tiền lương với lượng tiền vừa đủ (xét theo
tác động của nó đến ưu tiên chuyển hoán) để ấn định một lãi suất mà vừa đủ đối trọng sự dịch chuyển giả định sao
cho sản lượng vẫn giữ nguyên ở mức như trước đó. Trên thực tế, các tác giả nêu trên không thể hiện một dấu hiệu
nào về sự cần thiết phải đưa ra một giả thiết như vậy; giỏi lắm thì chỉ có thể áp dụng giả thiết như vậy đối với tình
trạng cân bằng dài hạn, chứ không thể lấy nó làm cơ sở cho một lý thuyết có tính chất ngắn hạn, và không có cơ sở
để cho rằng giả thiết ấy có thể đứng vững cả trong dài hạn. Thực ra, những người theo lý thuyết cổ điển không
nhận thức được tính xác đáng của những thay đổi về mức thu nhập hoặc không nhận thức được khả năng của mức
thu nhập có thể thực sự trở thành hàm số của mức độ đầu tư.
Có thể minh hoạ điều nói trên bằng biểu đồ
sau đây: