không làm giảm chi tiêu của những bộ phận khác trong cộng đồng, mà được tài trợ bởi các khoản tiết kiệm. Như
vậy là số tăng thêm vào khoản tồn kho là khoản thêm vào đầu tư trước mắt. Kết luận này còn giá trị ngay cả khi
giá cả giảm sút nghiêm trọng. Cũng tương tự như vậy, khi mùa màng xấu, số tồn kho bị trích một phần cho tiêu
dùng trước mắt, vì vậy một phần tương ứng trong số chi tiêu của người tiêu dùng không tạo ra thu nhập trước mắt
cho người nông dân. Như vậy có nghĩa là số trích ra từ khối lượng tồn kho gây ra một lượng giảm bớt tương ứng
về đầu tư trước mắt. Vì vậy nếu đầu tư vào những ngành khác được coi là không thay đổi, có thể có sự chênh lệch
lớn về tổng số đầu tư giữa một năm trong đó số tồn kho tăng thêm nhiều và một năm trong đó số tồn kho giảm đi
nhiều; và trong một cộng đồng mà nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu thì sự chênh lệch đó là hết sức quan
trọng, so với bất kỳ nguyên nhân bình thường nào khác gây nên những biến động về đầu tư. Do đó, tất nhiên
chúng ta phải thấy bước ngoặt đi lên được đánh dấu bằng những vụ bội thu và bước ngoặt đi xuống được đánh dấu
bằng những vụ mùa thất thu. Lý thuyết khác cho rằng có những nguyên nhân thuộc khoa học tự nhiên gây nên chu
kỳ đều đặn những vụ mùa tốt và xấu, tất nhiên là một vấn đề khác chúng ta không quan tâm đến ở đây.
Thời gian gần đây lại có lý thuyết cho rằng chính là những vụ thất thu chứ không phải những vụ bội thu, mới
là yếu tố kích thích hoạt động kinh tế, vì những vụ thất thu làm cho dân chúng sẵn sàng làm việc với số tiền công
thực tế ít hơn, hoặc vì trong những vụ thất thu sự phân phối lại sức mua thuận lợi cho tiêu dùng. Chẳng cần phải
nói nữa, tôi đã không nghĩ đến những lý thuyết này khi mô tả những hiện tượng mùa màng ở trên để giải thích một
chu kỳ kinh tế.
Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, những nguyên nhân thăng trầm trong nông nghiệp ít quan trọng hơn nhiều,
vì hai lý do. Trước hết, sản lượng nông nghiệp chiếm một tỷ trọng nhỏ hơn nhiều trong tổng sản lượng. Và thứ hai
là sự phát triển của thị trường thế giới đối với phần lớn sản phẩm nông nghiệp, trên cả hai bán cầu, dẫn đến chỗ
san bằng những tác động của những vụ bội thu và thất thu, vì tỷ lệ phần trăm biến động về số thu hoạch mùa màng
của thế giới ít hơn nhiều so với tỷ lệ phần trăm biến động về số thu hoạch mùa màng của các nước riêng biệt.
Nhưng trong những thời kỳ xa xưa, khi một nước chủ yếu dựa vào mùa màng riêng của họ, thì khó có thể thấy
được nguyên nhân nào khác, mà về quy mô có thể so sánh với những biến đổi về khối lượng tồn kho của sản
lượng nông nghiệp.
Ngay cả ngày nay cũng cần phải chú ý đến vai trò của những biến động về số tồn kho nguyên vật liệu nông
nghiệp và khoáng sản khi quyết định mức đầu tư hiện tại. Theo tôi, sau khi suy thoái đã đạt đến bước ngoặt,
nguyên nhân chủ yếu khiến tốc độ phục hồi chậm lại là do tác động giảm lạm phát của việc giảm số tồn kho dư
thừa xuống mức bình thường. Lúc đầu sự tích tụ những kho tồn đọng, xảy ra sau khi thời kỳ thịnh vượng đã bắt
đầu, kiềm chế tốc độ suy sụp; nhưng về sau chúng ta phải trả giá cho sự dễ chịu này bằng việc giảm bớt tốc độ
phục hồi. Thực ra đôi khi việc giảm số hàng tồn đọng chỉ thực sự được hoàn thành trước khi có được một mức độ
phục hồi khả quan. Bởi vì một mức độ đầu tư vào những ngành khác dù là đủ để tạo nên một xu hướng đi lên khi
không giảm đầu tư vào những kho tồn đọng cân đối với mức đầu tư nói lên, có thể hoàn toàn không đủ chừng nào
việc giảm đầu tư như vậy còn tiếp diễn.
Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy được một thí dụ điển hình về hiện tượng trên trong những giai đoạn đầu của
chính sách “Tân kinh tế” ở nước Mỹ. Khi tổng thống Roosevelt bắt đầu thực hiện những khoản tín dụng lớn, vẫn
còn rất nhiều những kho tồn đọng các loại - đặc biệt là những kho nông sản. Một phần của “Tân kinh tế” nhằm
làm giảm bớt những kho tồn đọng này bằng cách cất bớt sản lượng và bằng tất cả những biện pháp khác. Việc
giảm những kho tồn đọng xuống tới mức bình thường là một quá trình cần thiết - một giai đoạn cần phải chịu
đựng. Nhưng chừng nào quá trình đó còn tiếp tục, khoảng hai năm, thì nó còn tác dụng bù trừ đối với khoản chi
cho tín dụng đang được thực hiện trong các ngành khác. Chỉ khi nào công việc này được hoàn thành thì mới bắt
đầu mở ra con đường cho sự phục hồi thực sự.
Kinh nghiệm của nước Mỹ trong thời gian vừa qua cũng cho chúng ta những thí dụ tốt về vai trò của những
biến động về lượng dự trữ hàng thành phẩm và chưa thành phẩm - tức là những hàng tồn kho như người ta thường
gọi - trong việc tạo nên những dao động nhỏ trong chuyển động chính của chu kỳ kinh tế. Những nhà chế tạo khi
điều hành nền công nghiệp để tạo ra một quy mô tiêu thụ có thể thịnh hành ít tháng sau, thường có những sự tính