Nhóm này đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi kế hoạch tiếp
quản của Rupert Murdoch vài năm trước đó. Ban lãnh đạo công ty và
nhóm Shareholders United lập luận rằng chính lời đề nghị mua lại với
giá cao của Glazer sẽ làm tổn hại đến tương lai của đội bóng, bởi khi đó
Glazer sẽ buộc phải nâng giá vé vào cửa để lấy tiền chi trả cho các
khoản nợ mà ông này đã vay để mua MU. Họ còn nói rằng mức vay nợ
ngân hàng cao sẽ khiến Glazer không thể đầu tư nhiều cho câu lạc bộ,
trong đó bao gồm cả việc mua các cầu thủ giỏi nhằm duy trì vị trí đầu
bảng của MU tại giải Ngoại hạng Anh. Một số người hâm mộ còn đề
nghị tẩy chay các nhà tài trợ chính của MU là Nike và Vodafone; ngoài
ra, còn có rất nhiều cuộc biểu tình phản đối, cả từ phía các đối thủ của
MU. Theo các nguồn tin, Glazer đã yêu cầu cảnh sát giữ bí mật địa chỉ
nơi ở của mình và thậm chí các nhà tư vấn cho Glazer cũng trở thành
mục tiêu tấn công.
Cuối cùng, Glazer cũng tìm được cách sở hữu trên 75% cổ phần của
MU - điều này cho phép ông tiến hành thủ tục chuyển MU thành một
công ty tư nhân. Sau đó, ông tiếp tục nắm giữ 98% cổ phần công ty, và
vào cuối tháng 6/2005, ông nắm toàn quyền kiểm soát đội bóng. Theo
thông tin từ Financial Times, tổng chi phí Glazer bỏ ra cho cuộc mua
bán này là 790 triệu bảng (tính thêm cả các chi phí thực hiện giao dịch
thì toàn bộ số tiền Glazer phải trả là 812 triệu bảng).
Đúng là để thực hiện cuộc mua lại trên, Glazer đã lấy tài chính từ nhiều
nguồn khác nhau. Ông đã vay 265 triệu bảng nhờ thế chấp các tài sản
của MU (gồm cả sân vận động Old Trafford) và vay 275 triệu bảng trả
bằng hiện vật. Số tiền còn lại lấy từ cổ phần của gia đình Glazer trong
câu lạc bộ MU.
Hơn một năm sau, vào tháng 7/2006, Glazer đã có thể thanh toán cho
phần lớn các khoản nợ của mình và giảm mức lãi suất phải trả hàng
năm từ 90 triệu bảng xuống còn 62 triệu bảng, mặc dù ông đã tăng số
nợ lên tới 660 triệu bảng (số tiền này một phần được sử dụng để nâng
cao sức chứa của sân Old Trafford). Kết quả tài chính tích cực này cũng