dị của một giáo sư và nghệ sĩ ở Bắc Carolina, là kẻ độc nhất còn lại để than
khóc cho song thân đã khuất. "Họ không đáng phải chịu kết cục này", Lệ
Chi buồn bã nói với các ký giả của Washington Post. "Những cuộc đời đẹp
đẽ như vậy lẽ ra đã có một kết thúc có hậu".
Ông bà Chương được mai táng cách ngôi nhà nơi họ thiệt thân năm
dặm. Nghĩa trang Rock Creek là một khu vực ngổn ngang rộng tám mươi
sáu mẫu Anh, giữa một vùng điền viên tươi đẹp nằm ở góc tây bắc của thủ
đô Washington, D. C. Một con đường nhựa hẹp uốn lượn lên xuống; những
tấm bia mộ rải rác trên các ngọn đồi như những cột buồm nhấp nhô giữa
một đại dương gợn sóng xanh lục. Chúng khắc một vài cái tên lừng lẫy của
quá khứ - dòng họ Roosevelt và dòng họ Adams - và một vài tên tuổi lỗi lạc
đương thời, như Tim Russert và Gore Vidal. Phần mộ đôi của ông bà
Chương nằm ở khu L, phân nửa đoạn đường đi lên một con dốc nhỏ.
Cặp bia mộ làm bằng đá granite màu hoa hồng, với một hoa sen được
chạm giản dị bên dưới mỗi cái tên của họ. Đại sứ Trần Văn Chương. Công
chúa Nam Trân Trần Văn Chương. Trải qua hai mươi lăm năm nương dâu
bãi bể, cuối cùng họ đã nằm bên nhau trên ngọn đổi này. Mộ của bà
Chương không còn hoàn toàn thẳng tắp mà nằm hơi chênh chếch, như thể
bà đang nghiêng về phía chồng mình vậy.
Vào buổi sáng mùa xuân tôi đến thăm ông bà Chương, những vạt cỏ um
tùm gợn sóng xung quanh những tấm bia và giữa những ngôi mộ, khiến
chúng trông có vẻ hơi tiêu điều. Với cô em dâu và đứa cháu gái đang ngủ
trên chiếc xe nôi di động làm bạn đồng hành, tôi hình dung rằng chúng tôi
là những vị khách đầu tiên mà ông bà Chương có được trong thời gian gẩn
đây. Tôi bất chợt nhận ra mình đã tay không đến thăm họ. "Lẽ ra nên mang
hoa theo", tôi lẩm nhẩm trong miệng.
Cô em dâu bước tới. Cô đặt chiếc nôi em bé giữa hai ngôi mộ, quỳ gối
xuống, và bắt đầu nhổ đám cỏ dại. Cùng nhau, chúng tôi nhanh chóng dọn
quang gọn nơi này. Khi chúng tôi kéo đám cỏ cao chen chúc quanh những