Từ những ô cửa sổ nhà mình, bà Nhu có một tầm nhìn hoàn hảo về cố
đô. Về phía bắc, khung cảnh buổi sáng tháng Mười Hai lạnh lẽo trông như
mọi ngày bất kỳ khác. Ngọn cờ trên tháp bay phất phới. Những bức tường
của ngôi cổ thành vẫn đứng lừng lững. Chín khẩu thần công, biểu tượng sự
bảo vệ thần kỳ của thành phố Huế, hoàn toàn không chĩa vào đâu cả.
Những giọt sương đọng trên lớp thép lạnh của chúng.
Nhưng mặt phía nam của cầu Clémenceau thì yên tĩnh một cách kỳ lạ.
Những ngõ nhỏ quanh co vắng lặng. Vào thời điểm này của buổi sáng, lẽ ra
đã có một nhịp điệu rộn ràng đều đặn những chiếc xe đẩy và người người
qua lại. Không con thuyền nào lênh đênh trên dòng kênh An Cựu, không có
tiếng rao của những người bán hàng rong, và không có làn khói từ ngọn lửa
nấu nướng bập bùng trên những ngôi nhà gỗ thấp lè tè chạy dài đến hết
ranh giới thành phố. Những cánh cửa sổ đóng kín im ỉm - như để chở che
tất cả những người ở đằng sau chúng.
Khuya đêm trước, tiếng ầm ầm đằng xa vang vọng khắp thành phố trong
nhiều ngày đã biến thành những cơn sóng gầm đinh tai nhức óc làm lung
lay dữ dội những ô kính cửa sổ. Bà Nhu khi đó biết rằng họ đã làm ngơ
lệnh tản cư của các quan chức thành phố bấy lâu. Nhưng về việc ai đang
đánh nhau ngoài những đường phố kia, "On l'ignorait" - không ai biết cả.
Những người Việt mà ban đầu bị khước từ bởi mối liên hệ mật thiết với
Đảng Cộng sản Đông Dương giờ đây đã được Việt Minh lôi kéo. Không có
ai khác - dù là người Pháp, chính quyền "độc lập" do Nhật dựng lên, và tất
nhiên không phải là người Nhật - làm bất kỳ điều gì để giảm nhẹ nỗi đau
đớn và thống khổ ở vùng nông thôn. Bà Nhu hầu như không nhận ra điều
đó từ chiếc kén êm ấm của mình. Chính Việt Minh là những người đã ra
sức làm khuây khỏa cơn đói khổ. Mạng lưới của họ giúp mọi người tìm
kiếm thức ăn, và nhân lực của họ giúp nông dần trồng trọt lại. Họ được
người dân vùng nông thôn toàn tầm toàn ý đi theo vì những hành động của
mình.