viễn tượng ùa vào tâm trí tôi. Phải chăng bà đang quan sát tôi từ nãy đến
giờ? Từ một chỗ ngồi trong bóng tối, chờ cho đến thời khắc thích hợp để
tiếp cận? Tôi rảo một vòng quanh nhà thờ, bánh xe đẩy kêu lách cách trên
sàn đá lát, nhưng tất cả hàng ghế đều trống trơn.
Sau một giờ, tôi nghe cánh cửa cọt kẹt mở ra. Bụng tôi nhộn nhạo,
nhưng đó không phải là bà Nhu. Tôi quá căng thẳng đến độ nỗi thất vọng
dâng lên trong tôi lại giống như một làn sóng của sự nhẹ nhõm. Tommy đã
thức dậy, những tiếng rinh rích vui vẻ của nó cuối cùng đã vỡ thành những
tiếng gào khóc vang trên nền đá và giữa những thanh rầm. Tôi nhấc chiếc
xe đẩy lên gian bên, qua khỏi những cánh cửa đôi nặng nề, và băng qua
công viên kín đáo để cho đứa bé bú. Khi tôi trở lại căn hộ của dì tôi ở Paris,
tôi thấy một tin nhắn trên máy trả lời từ bà Nhu. Bà đã phá lệ bằng cách để
lại lời nhắn nói rằng bà lỡ hẹn vì cảm thấy không khỏe. Chân bà đau, bà thở
dài như để tỏ ý rằng chúng tôi nên trì hoãn cuộc gặp mặt.
Trong lần nói chuyện tiếp theo, bà đã thật sự không nói lời xin lỗi,
không dông dài nhiều lời. Nhưng giọng bà nghe khá hối lỗi, và tất nhiên tôi
tha thứ cho bà. Lần tới chúng tôi sẽ gặp nhau trong căn hộ của bà, bà nói.
Tôi tin bà. Tôi đã chờ đợi một tiếng đồng hồ, lần này trong hành lang,
nhưng bà đã không cho tôi vào thang máy. Tôi lại tha thứ cho bà một lần
nữa. Bà đã kể cho tôi một câu chuyện đáng buồn: bà không chắc bà có thể
tin tưởng bất kỳ ai một lần nào nữa. Tôi sẽ phải kiên nhẫn chứng tỏ bản
thân. Rồng Cái vẫn ở ngoài tầm tay với của tôi như một sự trêu ngươi.
Chú thích 1. Để có những chi tiết về cuộc đào thoát của nhà Chương
khỏi Việt Minh và ẩn náu tại Phát Diệm với ông Nhu, xem CAOM, Hồ sơ
Trần Văn Chương, HRT Non-Cotes, Bulletin de Renseignements, 29 tháng
5, 1947; bản tin ngày 10 tháng 7, 1947, mô tả nơi ăn chốn ở của gia đình
Chương kể từ năm 1945. Về những sự quyên tặng vô ích cho Việt Minh,
xem Bulletin de Renseignements, 3 tháng 3, 1946.
2. Madame Nhu, Caillou Blanc, 90.