Ngôi nhà mất năm năm để hoàn thành. Bà bắt dựng đi dựng lại cửa
trước tám lần. Cửa sổ góc được làm đến lần thứ mười trước khi bà thấy hài
lòng. Một trong năm mươi người làm vườn của bà, Phạm Văn Mỹ, kể rằng
bà Nhu là "một phu nhân rất khó phục vụ". Ông nói rằng bà hay quát tháo
khi ra lệnh và đe dọa người làm nhưng rất sợ sâu bọ. Người phụ nữ ông mô
tả có những sở thích rất xa hoa và thất thường. Ngôi nhà thật là xứng đáng
với tiếng tăm của người phụ nữ đã cho xây nó, nhưng bà Nhu nói với tôi
rằng bà không bao giờ đặt chân vào nơi đó khi nó được xây xong. Đến thời
điểm mà ngôi nhà mơ ước của bà Nhu cuối cùng đã hoàn tất, sự thích thú
bà dành cho nó cũng không còn.
"Chúng ta nên gặp nhau", bà Nhu nói trên điện thoại không lâu sau khi
bé Tommy chào đời. Đó là lần đầu tiên bà bày tỏ ý muốn gặp tôi trực tiếp.
Ắt hẳn bà đã lập luận rằng tôi không thể âm mưu làm hại bà nếu tôi mang
đứa bé bên mình, vì lẽ bà một mực đòi tôi phải mang Tommy theo.
"Paris có được không?"
"Tất nhiên, thưa bà. Tôi rất lấy làm vinh dự".
Tôi thật sự như vậy. Tôi đang lên kế hoạch một chuyến đi vào tháng
Chín để giới thiệu đứa bé với những họ hàng ở Pháp của tôi. Một cuộc
dừng chân ở Paris là điều thuận tiện. Tôi không kể với bà Nhu rằng tôi
cũng đang định viếng thăm văn khố thuộc địa Pháp ở miền Nam nước Pháp
để coi tôi có thể tìm thấy những cứ liệu lịch sử nào khác chăng. Đến thời
điểm này, tôi biết bà Nhu tin chắc rằng lời kể của bà là thỏa đáng và không
gây nghi ngờ - ngay cả khi nó có những sơ hở rõ ràng đi nữa.
Bà lên kế hoạch về thời gian và địa điểm. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi
diễn ra ở Église Saint-Leon, một nhà thờ Công giáo không xa căn hộ của bà
ở phố mười lăm. Chúng tôi sẽ gặp nhau ở gian giữa của giáo đường, trước
bức tượng thánh Joseph vào 10 giờ sáng. "Sau đó chúng ta có thể đi đến
công viên bên kia đường", bà nói: "Để nói chuyện. Nơi đó sẽ rất kín đáo".