làm gì cho khổ tâm nghe con!
- Làm sao con không nghĩ ngợi cho được! Nhưng tại sao cô không giữ kín
sự thật ấy luôn, lại nói ra cho khổ cả cô lẫn cháu?
- Tại cô sợ. Tai nạn vừa qua tuy là một cái nạn nhỏ, rất tầm thường cũng
làm cô suýt chết. Bởi vậy, cô cứ băn khoăn về hành động của cô đã làm, dù
chỉ để tạo hạnh phúc chung của chúng ta. Bây giờ cô đã cho Khánh biết tất
cả sự thật, cô thấy lương tâm cũng đỡ bị ray rứt. Gợi lại những kỷ niệm đau
thương bao giờ cũng buồn. Nhưng nỗi buồn rồi sẽ khuây, và mọi sự sẽ lại
như trước Khánh ạ!...
Tôi không nói gì. Nhưng tôi thầm nghĩ: Không thể nào còn như trước được
nữa.
***
Tuy nhiên cuộc sống vẫn cứ tiếp tục. Cô tôi được phép nghĩ dưỡng bệnh ở
nhà và vì sắp tới kỳ hè nên mãi niên khóa sau cô mới phải đi dạy lại. Tôi
quanh quẩn suốt ngày bên cô, quanh quẩn trong ngôi nhà rộng lớn mà từ
lâu nay tôi vẫn nhận là "nhà" của tôi. Trong nhà có hai người giúp việc: già
Lãm chăm sóc ngoài vườn; thím Năm lo việc nhà cửa bếp nước. Cả hai ở
với cô tôi từ ngày tôi còn thơ dại. Họ thuộc hàng thân thích trong nhà,
những cũng như các gia nhân tín cẩn, họ chỉ mải lo công việc được giao
phó mà rất ít nói. Sự kín đáo của họ không an ủi được tôi trong lúc này.
Tôi đâm ra mơ mộng, buồn rầu. Tất cả, từ những đồ đạc trong nhà, cây cối
ngoài vườn, ngay cả chính căn phòng riêng của tôi cũng đều trở thành xa lạ.
Ôi, cô thương yêu, cô đã chiếm hữu một hài nhi thất lạc như một đứa trẻ
thiếu đồ chơi vớ được con búp bê... vô chủ.
Nhưng tôi đâu phải là con búp bê... hay con chó nhỏ!
Tôi là một con người và đến tuổi trưởng thành phải hướng vào tương lai,
phải đối diện với cuộc đời. Tôi rất cảm kích, biết ơn bà "mẹ nuôi" của tôi,
nhưng giá bà cho tôi biết sự thật này sớm hơn ngày tôi bắt đầu hiểu biết thì
có lẽ hạnh phúc và chúng tôi không đến nỗi bị lung lay một cách đột ngột.
Bây giờ thì đã quá muộn. Tôi không tài nào lấy lại được sự thơ thới của
tâm hồn. Tuy chúng tôi đều tránh không nhắc đến chuyện đắm tàu nữa,
nhưng tôi vẫn cứ băn khoăn nghĩ tới, và một hôm tôi hỏi cô tôi: