tàu bồng con, bối rối, không biết trao trả cho ai, luôn miệng hỏi:
"Đứa trẻ này của ai đây?"
Cô liền nói: "Của tôi". Và cô đón lấy con... nuôi cho tới bây giờ.
- Còn cha mẹ con đâu?
Cô tôi buồn bã lắc đầu:
- Chẳng biết sống chết ra sao nữa! Sau tai nạn, cô có dọ hỏi, tìm kiếm... Đất
nước ta hồi ấy xảy ra nhiều biến cố quan trọng. Cuộc di cư của một triệu
dân miền bắc vĩ tuyến vào Nam đã làm xáo trộn tất cả. Không ai nhớ đến
vụ đắm tàu và số ít người mất tích ở ngoài khơi xảy ra trước đó nữa. Sự dò
hỏi của cô qua các cơ quan liên hệ không đem lại kết quả nào. Hãng tàu
còn lo chuyên chở những người di cư, vấn đề cấp bách và quan trọng hơn
việc tìm kiếm thân nhân một đứa trẻ bị thất lạc. Điều làm lương tâm cô áy
náy không yên là cô đã không mấy sốt sắng, kiên trì trong việc tìm kiếm
cha mẹ của cháu.
Cô muốn giữ con, để mọi người lầm tưởng con đích thật là cháu ruột của
cô. Hồi chị dâu của cô, má thằng Cường, sinh ra nó, cô có khoe với mọi
người, nhưng không ai biết đứa cháu ấy là trai hay gái...
Tôi thở dài:
- Con hiểu rồi! Cô muốn con thay thế cho... Cường! Thế từ dạo ấy đến nay
có ai tìm kiếm con không?
- Không!
Tai tôi ù đi, đầu óc choáng váng. Mới trước đây một tiếng đồng hồ, tôi còn
có gia đình, có quê hương, có tên gọi. Tôi đang sống hạnh phúc, yên trí
rằng tôi là Nguyễn Bảo Khánh, cháu gái bà Nguyễn Thục Trinh... Rồi bỗng
nhiên tất cả đảo lộn. Tôi là ai đây, hở trời! Tôi là một con người không có
tông tích. Nguyễn Bảo Khánh đâu phải tên thật của tôi!
Cô tôi vẫn ôm mặt khóc, âm thầm nức nở. Tôi thấy cô thật tội nghiệp. Tôi
nghẹn ngào nói:
- Cô đừng khóc. Con không oán trách gì cô đâu. Cô chẳng đã là mẹ của con
sao?
Cô ôm chầm lấy tôi:
- Cô biết con thương cô, và cô cũng thương con lắm. Con đừng nghĩ ngợi