chân thì cứ đứng trồng tại chỗ. Bà Đan Thanh bỏ chạy vào trong mặc tôi
ngẩn ngơ cạnh chiếc dương cầm. Chiếc đàn đối với tôi lúc ấy giống như
một con vật thời tiền sử, dãy phím ngà là hàm răng đang nhe ra. Tôi thẫn
thờ ấn tay xuống một phím ngà. Tiếng đàn vang lên. Cùng lúc ấy tôi chợt
nghe giọng nói châm chọc:
- Còn đứng đó mà gõ đàn nữa chớ!
Tôi quay đầu lại, không thấy ai trong phòng.
Bà Đan Thanh chạy đi kiếm nước uống đã tỉnh táo trở lại, mỉm cười bước
ra:
- Xin lỗi cháu nhé. Câu chuyện vừa rồi làm tôi xúc động. Tôi phải tránh
những gì làm hại cho sức khoẻ; bác sĩ đã căn dặn như thế.
Bà gọi chị giúp việc:
- Út ra mở cửa cho cô đi...
Và như không cần để ý đến tôi nữa, bà gọi một người đang chờ sẵn:
- Nào, cậu Chương đâu, mời cậu ra học tiếp.
Chiếc bình phong động đậy. Thì ra tiếng nói châm chọc vừa rồi phát ra từ
sau tấm bình phong ấy. Một thanh niên trạc mười sáu, mười bảy tuổi bước
ra. Tôi không khỏi nguýt anh ta một cái, và được hắn đáp lễ lại bằng một
cái bĩu môi.
Bạn học cùng trường với tôi có nhiều anh trạc tuổi này. Họ vui vẻ, náo hoạt
chứ không lầm lì, cau có như cái anh chàng khó thương đó.
Tôi ra khỏi nhà bà Đan Thanh. Cánh cửa đã đóng lại, tôi chơ vơ ngoài hành
lang. Thêm một lần thất bại nữa.
Bí mật về tôi vẫn hoàn bí mật. Sự xuất hiện đột ngột khó hiểu của Chương
càng khó hiểu thêm. Tại sao Chương tìm đến nhà báo Quê Hương trước
tôi? Tại sao Chương cũng lại có mặt tại lớp học hát của bà Đan Thanh?
Những câu hỏi ấy làm tôi điên đầu. Tôi lủi thủi bước xuống thang, bần thần
đứng trước bồn cỏ của chung cư.
Giữa lúc ấy thì bà vợ ông gác cổng xách chổi đi tới. Bà hỏi tôi:
- Cô tìm ai ở đây?
- Toi đến gặp bà Đan Thanh. Nhưng...
Tôi ngừng lại, bỏ dở câu nói. Tâm sự với bà nào có ích gì?