vào sáng hôm sau, nó nhìn thấy bác Sếu đang bám vào một trong những
thanh giằng, đánh đu người nhảy xuống gầm cầu, như ông vẫn thường làm.
Nhỏ thó, gầy gò và hiếm ai biết ông bao nhiêu tuổi, bác Sếu vẫn di chuyển
phần thân trên nhẹ nhàng như những người trẻ tuổi; đã nhiều lần Mộc Nhĩ
quên phứt cái chân vô dụng của bác. Không biết bác Sếu đi đâu mà về sớm
thế nhỉ?
Mộc Nhĩ khó nhọc ngồi dậy, lấy tay dụi mắt. Trong lúc đưa bàn tay phải lên
mặt, nó chợt trông thấy miếng gạc thô kệch. Mảnh giẻ đông cứng lại vì lớp
máu khô.
“Phải, đấy là điều ta định làm”, bác Sếu nói. “Bây giờ cần phải xem nó ra
sao.”
Mộc Nhĩ chìa tay ra. Bác Sếu gỡ nút buộc và bắt đầu tháo băng.
“Ai da!” - Mộc Nhĩ rít lên vì đau và rụt bàn tay lại. Lớp vải cuối cùng ngoan
cố bám chặt vào vết thương, bác Sếu cố gỡ nó ra.
“Thôi đi nào, khỉ con”, bác Sếu nói giọng ân cần nhưng kiên quyết. “Phải gỡ
ra mới làm sạch được vết thương chứ. Nó mà làm độc thì khốn.”
Mộc Nhĩ nhổm dậy, lết ra bờ sông. Nó cúi rạp người nhúng tay vào dòng
nước. Làn nước mát lạnh làm dịu cơn đau và nới lỏng miếng vải đang dính
chặt vào vết thương. Mặt nhăn mày nhó, nó từ từ lột mảnh vải cũ ra.
Trong lúc Mộc Nhĩ làm sạch vết thương, bác Sếu nhặt miếng vải đem giặt kỹ
bằng nước đựng trong quả bầu khô, rồi chà vải lên hòn đá phẳng ở mép
sông. Sau đó bác vắt kiệt nước và đưa cho Mộc Nhĩ, lúc này đã trở lại gầm
cầu; nó treo mảnh vải lên một thanh giằng để phơi cho khô.
Bác Sếu mở chiếc túi nhỏ đeo ở thắt lưng lấy ra một nắm lá xanh vừa hái từ