Bác Sếu ngừng tay dao, vẻ nôn nóng. “Chà, chuyện vớ vẩn ấy mà”, bác trả
lời. “Này, hôm nay cá bơn di cư đấy.”
Bác Sếu chỉ nói có vậy, nhưng Mộc Nhĩ nghe được nhiều hơn thế. Mặc dù
Chulpo nằm bên bờ biển, nhưng nó là làng gốm, không phải là làng chài.
Đàn ông và trai tráng trong làng hiếm khi bớt chút thời gian làm gốm để đi
đánh cá.
Tuy nhiên, tất cả họ đều thông thạo việc đánh bắt cá. Đám đàn bà con gái
trong làng thường đi cào nghêu sò lúc nước trìu xuống.
Nói cá bơn di cư nghĩa là bầy cá ngon tấp vào bờ gần hơn thường lệ; thậm
chí có con sóng còn ném cá thẳng lên bãi cát. Một cái tin như thế khiến khối
người phải vơ vội lấy những cây sào tre của mình. Nhưng bạn phải ở trong
số những người đầu tiên ra bờ biển. Cá bơn rất nhanh, nhoáy một cái đã tìm
được đường trườn xuống nước. Chỉ những tay lanh lợi nhất mới có cơi hội
xúc được những con cá đang giãy đành đạnh trên bãi cát.
Mộc Nhĩ bao giờ cũng là kẻ đầu tiên phóng ra bãi biển khi nghe tin cá bơn di
cư, và chưa bao giờ nó trở về mà không có một hay hai con cá béo ngậy cho
một bữa tiệc thịnh soạn nhưng hiếm hoi của hai bác cháu. Bây giờ không cần
hỏi, Mộc Nhĩ cũng biết bác Sếu đã cà nhắc lần xuống bãi biển, loạng choạng
một hồi trên bãi cát vốn hay đùa ác với cái nạng, và chỉ còn cách tay trắng ra
về.
Bác Sếu chuốt thêm mấy nhát dao rồi giơ cây nạng ngang mặt, nheo mắt
kiểm tra xem nó đã thật thẳng chưa.” Chẳng chụp được con cá nào”, bác
thủng thẳng nói và lại tiếp tục đẽo gọt, “Ta tức mình đập cây nạng vào một
tảng đá. Rốt cuộc bây giờ phải làm cái mới!”
Mớ dăm gỗ dưới chân bác Sếu cao dần. Mộc Nhĩ cúi xuống, lùa mấy ngón
tay vào đống dăm, xấu hổ không dám nhìn lên. Nó hình dung cảnh bác Sếu