vào làm việc chính thức ở phòng thí nghiệm.
Số phận thật là oái oăm, đã mang đến cho người ta điều mong ước
nhất, nhưng lại kèm một chi tiết nhỏ làm cho nó tuyệt nhiên không thể thực
hiện được. Giá trên đầu lá thư không đề “Nước cộng hoà Giê-ne-vơ” mà là
“Trường đại học Pa-ri” thì vợ chồng Qui-ri sung sướng biết mấy!
Trước sự ân cần và trân trọng ấy, Pi-e nhận lời. Tháng bảy, hai vợ
chồng đến Thuỵ Sĩ và được các bạn đồng nghiệp tiếp đón nồng nhiệt. Nhưng
đến mùa hè, Pi-e bắt đầu suy nghĩ. Đây là một khóa giảng quan trọng sẽ phải
nhiều tháng chuẩn bị? Làm sao có thể đành lòng bỏ dở công trình nghiên cứu
dù trong chốc lát, vì không dễ gì mang theo được, làm sao có thể trì hoãn
công việc làm tinh khiết hoá chất Ra-đi mới khám phá? Đối với hai nhà khoa
học đang say mê, tin tưởng vào sự nghiệp của mình, đòi hỏi như vậy là quá
đáng!
Tiếc thì tiếc, Pi-e đành gửi đến trường Đại học Giơ-ne-vơ một bức
thư cảm ơn, xin lỗi không nhận. Vì lòng yêu chất Ra-đi, Pi-e đã không chọn
con đường dễ dàng, và quyết định ở lại Pa-ri. Tháng mười, ông xin thôi việc
ôn tập viên ở trường Bách khoa và nhận dạy lớp hóa sinh ở phố Qui-vi-ê gần
trường Xoóc-bon, đằng nào cũng là làm thêm, nhưng ở chỗ mới, lương có
hơn, Ma-ri cũng muốn góp phần tăng thu nhập nên làm đơn xin dạy ở trường
Nữ sư phạm Xe-vrơ, gần Véc-xây. Bà nhận được thư của bà hiệu trưởng
trường Nữ sư phạm:
“Thưa bà:
Tôi hân hạnh báo tin là trong niên học 1900-1901 bà được giao
trách nhiệm giảng chương trình vật lý năm thứ nhất và năm thứ hai, trường
Nữ sư phạm Xe-vrơ.
Mời bà đến gặp hiệu trưởng trường chúng tôi, từ thứ hai sau, ngày
29”
Đó là hai “thành công”. Quỹ gia đình được thăng bằng về lâu dài,
nhưng ông bà Qui-ri phải gánh thêm một khối việc rất lớn, giữa lúc cần dồn
tâm sức vào những thử nghiệm về phóng xạ. Thế là người ta từ chối điều duy
nhất xứng đáng với Pi-e: một ghế giáo sư ở Xoóc-bon, nhưng lại tỏ ra quá
đắc ý khi có thể dồn lên đầu nhà bác học có tài những việc nặng nhọc và thứ
yếu.