phóng xạ mà chồng bà và bản thân bà đã tìm ra”.
Bác sĩ Tô-bê cũng viết:
“Bà Pi-e Qui-ri chết ngày 4 tháng 7 năm 1934 ở Xăng Xê-lơ-môi-dơ.
Căn bệnh là sự thiếu máu hiểm nghèo, diễn biến rất nhanh, có sốt, tủy xương
mất khả năng phản ứng, có lẽ vì bị hư hại do nhiễm phóng xạ quá nhiều”.
Tin buồn từ an dưỡng đường lan ra thế giới, chạm vào những điểm
đau nhói: ở Vác-xô-vi có Hê-la; ở Béc-lanh, trên một chuyến xe lửa chạy gấp
về nước Pháp, có Dô-dếp và Brô-ni-a; ở Mông-pê-li-ê, có Giắc Qui-ri, ở
Lơn-đơn có bà Mê-lô-nây; ở Pa-ri, những người bạn chân thành.
Trước những dụng cụ không còn sức sống ở Viện Ra-đi-om, các nhà
bác học trẻ nức nở.
Giờ đây, bà Qui-ri an nghỉ, xa hẳn những nỗi đau thương đó, xa hẳn
mọi sự huyên náo, trên giường bệnh, trong một an dưỡng đường trước những
nhà khoa học đã tận tụy cứu chữa đến phút cuối cùng. Bà nằm đó, mặc toàn
đồ trắng, mái tóc bạc để lộ một vầng trán mênh mông, khuôn mặt bình thản
nghiêm nghị và dũng cảm như một tráng sĩ; trong giờ phút này, tượng trưng
cho cái gì đẹp đẽ, cao cả.
Đôi tay xương xương, khô ráp đã thành chai, có những vết sẹo rất sâu
vì Ra-đi làm bỏng. Đôi tay đã duỗi thẳng và cứng lại, không còn cái tật quen
thuộc, luôn động đậy các ngón nữa.
Đôi bàn tay ấy đã làm việc nhiều biết chừng nào!
Ngày thứ 6, 6 tháng 7 năm 1934, buổi trưa, không điếu văn, không
quân nhạc, không một chính khách tiễn đưa, Ma-ri Qui-ri âm thầm đi đến
nơi an nghỉ cuối cùng. Bà được an táng ở nghĩ địa Xô, trước mặt người thân,
bạn hữu và những người cộng sự. Cái quan tài mới được đặt trên quan tài Pi-
e Qui-ri. Dô-dếp và Brô-ni-a ném xuống huyệt một nắm đất đem từ Ba Lan
sang! Mộ chí khắc thêm một tên mới: Ma-ri Xkhua-đốp-xka 1867- 1934.
Một năm sau, cuốn sách mà Ma-ri viết xong trước khi mất, mang lại cho
những người “yêu vật lý” một tài liệu cuối cùng của nhà nữ bác học.
Trên bìa xám có in tên tác giả: “Bà Pi-e Qui-ri, Giáo sư trường Đại
học Xoóc-bon. Giải thưởng Nô-ben Vật lý. Giải thưởng Nô-ben Hóa học”.