ri rằng sẽ không mổ và sẽ cố chữa. Nhưng cuộc sống đã rời dần cái cơ thể
quá ốm yếu này.
Bây giờ bắt đầu một cuộc chiến khốc liệt mà người ta gọi là “một cái
chết nhẹ nhàng” khi thân thể không muốn chết còn chống lại kịch liệt. Ở bên
cạnh mẹ, E-vơ lại phải tiến hành một cuộc chiến đấu khác: trong bộ óc của
Ma-ri còn rất sáng suốt, ý nghĩ về cái chết chưa lọt vào được. Cần phải duy
trì sự kỳ diệu đó, tránh cho Ma-ri một nỗi buồn quá lớn, mà không có sự cam
phận nào có thể làm dịu được. Nhất là phải làm bớt đau khổ về thể xác trong
khi giữ cho tâm hồn được thư thái. Giờ đây chăm sóc chỉ làm cho người
bệnh thêm mệt. Truyền máu lúc này vô ích mà chỉ ảnh hưởng đến thần kinh.
Và không cần tập hợp xung quanh người sắp chết, vì thấy người thân đến
đông đủ, người bệnh sẽ chỉ thấy sự thật khốc hại và chỉ thêm đau khổ.
Cuộc sống của an dưỡng đường như dừng lại, khi nghe tin xé ruột
gan:
Ma-ri Qui-ri sắp chết! Tòa nhà chỉ còn thấy sự kính trọng, tha thiết,
im lặng. Hai thầy thuốc thay nhau túc trực trong buồng Ma-ri, nâng đỡ bà, an
ủi bà. Và cũng chăm sóc luôn cả E-vơ, giúp E-vơ chiến đấu, bày cho cách
chiến đấu và hứa sẽ tiêm thuốc làm dịu những cơn đau cuối cùng của mẹ cô.
Ngày mồng 3 tháng 7, buổi sáng bàn tay run rẩy của Ma-ri còn cầm
được hàn thử biểu, đọc được mức thủy ngân một lần cuối cùng, và thấy được
sự hạ nhiệt độ đột ngột thường vẫn đi trước sự kết thúc. Bà mỉm cười vui
sướng khi nghe E-vơ khẳng định rằng đó là dấu hiệu khỏi bệnh, và bây giờ
bà sẽ khỏi. Bà nhìn ra cửa sổ mở, về phía mặt trời, và phía núi non im lặng,
lòng tràn đầy ước vọng, tha thiết muốn sống. Bà nói:
– Chẳng phải thuốc đã làm mẹ dễ chịu đâu, mà là khí trời miền
núi.
Trong lúc hấp hối, khi thì rên rỉ vì đau, khi thì phàn nàn, mơ màng,
ngạc nhiên:
– Tôi không nói được nữa... tôi như mất hồn...
Bà không gọi tên một người nào. Không gọi tên con gái lớn vừa mới
đến Xăng Xe-lơ-môi-dơ cùng chồng, không gọi E-vơ, không gọi họ hàng
thân thiết. Những mối lo nghĩ lớn hay nhỏ về công việc nghiên cứu lại trở về