Đó là bí quyết một tâm hồn e lệ, đa cảm, kín đáo. Suốt cuộc đời vẻ
vang của mình Ma-ri luôn luôn giữ không để có những biểu hiện yếu đuối,
không thốt nên lời kêu gọi giúp đỡ.
Giờ đây cũng vậy, bà Qui-ri không thổ lộ, không phàn nàn hoặc rất tế
nhị kín đáo. Bà chỉ nói đến tương lai... Tương lai phòng thí nghiệm, tương
lai Viện Ra-đi-om Vác-xô-vi, tương lai con cái... Bà hy vọng và biết rằng I-
ren và Phrê-đê-rích Giô-li-ô sắp nhận được giải Nô-ben.
Ma-ri yếu dần. Trước khi đưa mẹ đi an dưỡng, E-vơ đã cố mời bốn
bác sĩ giỏi nhất ở Pháp đến hội chẩn. Tiếc thay căn bệnh quá bí ẩn, không tài
nào xác định được. Các lương y chỉ còn kết luận là do những chấn thương về
bệnh lao tái phát, và cho rằng đi lên vùng núi một thời gian sẽ khỏi hẳn sốt.
Họ đã nhầm.
Chuẩn bị quá vội vàng, tai hại. Để giữ sức cho Ma-ri, phải hạn chế
chỉ để bà tiếp xúc với vài người thân. Tuy vậy bà cũng lén cho gọi người
cộng sự của mình là Cốt-len đến và căn dặn:
– Phải cất kỹ chất Ac-ti-ni, đợi đến khi tôi về. Tôi trông cậy ở chị
thu xếp mọi việc. Sau hè, chúng ta sẽ làm tiếp việc này.
*
* *
Tuy bệnh tình bỗng trầm trọng, các thầy thuốc vẫn khuyên đi ngay.
Chuyến đi vất vả đau thương khôn tả. Trên xe lửa, khi đến Xanh Giéc-ve,
Ma-ri mệt quá, ngất đi trong tay E-vơ và người nữ y tá. Cuối cùng, khi bà
được đặt nằm trong gian phòng đẹp nhất của an dưỡng đường Xăng Xe-lơ-
mô-dơ, lại chiếu điện và xét nghiệm: phổi vẫn không có gì. Chuyến đi đã vô
ích!
Sốt quá bốn mươi độ. Không thể giấu Ma-ri việc đó vì tự bà soát lại
mức thủy ngân với sự cẩn thận của nhà bác học. Bà không nói một lời,
nhưng đôi mắt biến sắc tỏ ra rất lo ngại. Giáo sư Rốc ở Thụy Điển được mời
gấp đến, so sánh những bảng thử máu mới nhất thấy con số hồng cầu và
bạch cầu rút rất nhanh. Ông chẩn đoán là một bệnh thiếu máu biến chứng
hiểm nghèo. Ông an ủi Ma-ri cứ bị ám ảnh về sỏi thận và quả quyết với Ma-