Song kẻ thù nham hiểm đã nhanh hơn. Sốt vẫn dai dẳng với những
cơn rét ác liệt hơn. E-vơ phải nói khéo lắm mẹ mới cho mời thầy thuốc. Từ
trước đến nay Ma-ri chưa khi nào chịu có một thầy thuốc theo dõi sức khỏe
của mình, lấy cớ là “phiền toái” và “không có cách nào thanh toán với họ
được” – vì không có bác sĩ nào ở Pháp chịu lấy tiền sau khi khám bệnh cho
bà Qui-ri.
Nhà bác học ấy, người bạn của tiến bộ ấy, cũng ghét khám và chữa
bệnh như chị em nông dân vậy.
Giáo sư Rơ-gô đến thăm sức khỏe của Ma-ri, gợi ý là nên đến hỏi
giáo sư Ra-vô, ông này lại giới thiệu đến giáo sư Bu-lanh, bác sĩ phụ trách
bệnh viện Pa-ri. Thấy vẻ mặt tái nhợt của Ma-ri, ông nói ngay:
– Phải nằm điều trị, phải nghỉ.
Bà Qui-ri đã nghe những câu ấy không biết bao nhiêu lần rồi nên
chẳng để ý tới nữa. Bà vẫn cứ lên xuống những cầu thang ở bến Bê-tuyn và
gần như ngày nào cũng đến làm việc ở Viện Ra-đi-om.
Một buổi trưa nắng chói tháng 5-1934, Ma-ri ở mãi đến ba rưỡi ở
phòng Vật lý, xếp đặt một cách mệt nhọc những bát sứ, dụng cụ đo lường –
những người bạn trung thành. Bà trao đổi vài lời với những người đồng sự
rồi nói:
– Tôi bị sốt. Tôi về đây.
Ma-ri còn đi một vòng quanh vườn, nay đã rực rỡ những khóm hoa
mới trồng. Bỗng nhiên bà dừng lại trước một cây hồng khẳng khiu, và gọi
anh thợ máy lại:
– Gioóc, anh hãy nhìn cây hồng này, phải chăm sóc nó ngay mới
được.
Một nữ sinh bước lại gần khẩn khoản đề nghị bà không nên ở lâu
ngoài vườn và nên về nhà ngay. Tuy làm theo ý cô, trước khi lên xe, bà còn
nghoảnh lại:
– Gioóc – đừng quên đấy – cây hồng...