Một người bỗng chêm vào một câu: “Phương Lạp đang nổi dậy ở
miền đông nam, cũng hơi giống Trương Giốc đấy!”
Một người khác nói: “Đúng là hơi hơi giống! Năm xưa Trương Giốc
nổi dậy khiến thiên hạ đại loạn, rồi nhà Hán sụp đổ, nay Phương Lạp mới
tung hoành vài tháng đã chiếm được hơn hai mươi châu quận ở Giang -
Chiết, Đồng Quán
dẫn đại quân đi càn quét đến giờ vẫn chưa làm gì nổi
ông ta. À, Trương Giốc về sau ra sao?”
Bành Chủy Nhi mỉm cười: “Bị Tào Tháo tiêu diệt. Các vị cứ từ từ
nghe tôi kể…”
Người thứ nhất lại chêm vào: “Đồng Quán cũng giống Tào Tháo.”
Lại có một người khác nói: “Không giống! Tào Tháo có thể sinh ra
Tào Phi, Tào Thực, còn Đồng Quán thì tịt cả đời!”
Đám đông cười ồ lên, rồi họ đua nhau bàn tán các chuyện xấu xa bỉ ổi
của một số đại thần trong triều, về tình hình giằng co ở miền đông nam,
chiến sự với quân Liêu Kim
, quên béng cả nghe Bành Chủy Nhi kể
chuyện. Triệu Mặc Nhi bật cười khi thấy nghệ nhân ngồi nghệt ra đó. Kinh
thành là thế đấy, dường như ai cũng là thám tử của hoàng thành, họ biết
tường tận đủ chuyện lớn nhỏ trong ngoài triều đình, và hình như ai cũng là
nghệ nhân thuyết thư, hễ mở miệng là tuôn ra đủ chuyện cổ kim, chuyện
khắp thiên hạ, có thể kể đến vô cùng vô tận, khiến nghệ nhân thuyết thư hết
đất dụng võ.
Triệu Mặc Nhi ngoảnh nhìn về sạp viết thuê đơn kiện của nhà cậu đặt
bên hàng rào ở góc phố đối diện, anh trai cậu là Triệu Bất Vưu đã ngồi đó,
đã có một hai người khách tìm đến. Cậu vội ném mấy đồng tiền lẻ vào cái
bát sứ của Bành Chủy Nhi rồi xoay người cất bước đi về.
Triệu Bất Vưu tuổi vừa ba chục, cao lớn khôi ngô, mày rậm sắc sảo,
giống như hai nét “phảy, mác” khỏe khoắn của chữ Hán mà Hoàng Đình
Kiên viết trong bài thơ “Tùng các tụng”, vết sẹo từ góc trái trán chạy chéo
xuống má phải khiến anh rất có vẻ dũng mãnh.
Lúc này Triệu Bất Vưu đã ngồi ngay ngắn trước bàn nghe một thanh
niên ngồi đối diện nói. Triệu Mặc Nhi nhận ra anh ta họ Lương, là một “tay