Biện Lương mở trường dạy học, dành hai chục mẫu ruộng công giao cho
anh để tổ chức trường học. Anh đã bán ruộng đất tổ tiên để lại ở quê rồi
mua nhà ngoại thành kinh đô để ở. Suốt hai chục năm sống dựa vào tiền
cho thuê hai mươi mẫu ruộng, cũng tạm ổn.
Nhưng năm nay nhà nước đã dừng chế độ “Tam xá”, thu lại ruộng đất
phục vụ học đường, sáng nay quan Chủ bạ huyện Tường Phù đã thu lại
giấy tờ liên quan và còn hỏi anh về những chuyện cho thuê ruộng trong
những năm qua. Anh không nắm được, vợ anh là Lưu thị vốn “hơi đần” nên
mọi việc đều do em gái của anh là Giản Trinh quản lý trông nom.
Cô em Giản Trinh do bà vợ bé của cha anh sinh ra, khi ông qua đời,
Giản Trinh mới lên hai tuổi, bà mẹ cải giá đi lấy người khác, vợ chồng
Giản Trang đem Giản Trinh về Biện Lương giao cho Lưu thị nuôi nấng.
Giản Trinh rất thông minh, năm 12-13 tuổi đã có thể chia sẻ việc nhà, hai
ba năm sau, Lưu thị giao cho cô điều hành mọi thu chi của gia đình. Dầu
kinh tế eo hẹp chẳng khá giả gì nhưng cô vẫn rất khéo thu xếp để cả nhà
sống ung dung và có chút tiền bạc dành dụm.
Viên quan Chủ bạ hỏi về việc cho thuê ruộng đất, Giản Trang ngồi tiếp
ông ta trong nhà, Giản Trinh không tiện ngồi cùng, cô ngồi ở gian trong để
trả lời, và nhờ Ô Mị ra nói thay. Tất cả rất rành rọt phân minh. Chủ bạ nghe
xong ra về.
Ông ta vừa đi khỏi thì Ô Mị khóc ầm lên: “Thu lại ruộng đất thì từ nay
sống ra sao? Khổ thân đứa con trong bụng thiếp mới được ba tháng đã phải
bị đói khổ cùng cha nó, cùng mẹ cả, mẹ đẻ và cô ruột… hu hu hu…”
Giản Trang suốt đời giữ chữ Kính, nhưng vẫn bị rối trí trước mặt
người thiếp. Nét yêu kiều của cô thường khiến anh lúng túng khó xử, cái
tính cách tùy tiện không e dè của cô thường khiến anh thương cũng khó mà
giận cũng không nên.
Đúng lúc anh đang phiền muộn thì Lưu thị cũng rầu rầu bước ra, Ô Mị
nắm tay Lưu thị rồi cả hai cùng khóc lóc. Giản Trang đang vừa buồn vừa
thẹn, lại càng buốt óc trước tình thế này, anh đành đi vào thư phòng để
“tĩnh tâm”, nhưng tĩnh tâm sao nổi?