bán món ăn miền Nam, cô tìm đến hiệu ngan vịt Chúc Thuận, gọi một đĩa
thịt vịt quay, năm đôi chân vịt rán, cả thảy hết một xâu tiền, bảo nhà hàng
gói lại, xách ra, cô lại lên lừa đi về hướng nam, đi thẳng đến Trần Châu
môn.
Phía nam thành Biện Kinh có ba cổng thành, cửa Trần Châu ở phía đông.
Ra khỏi Trần Châu, Biện Nhi tiếp tục đi về hướng nam, đến chỗ rẽ ngang
chính là ngõ Thanh Nhân, quán Phạm lâu ở đầu ngõ bên trái, gần đối diện
với cửa đông Tịch Ung và ngoại xá của trường Thái học.
Biện Nhi cưỡi lừa chầm chậm đi dọc con ngõ và quan sát. Phạm lâu là
ngôi nhà hai tầng, không bằng các “chính điếm” chuẩn mực nhưng cũng rất
rộng rãi. Tầng dưới có thể bày vài chục bộ bàn ăn, tầng trên có chục gian
độc lập nhìn xuống đường. Tuy nhiên lúc này hơi vắng vẻ, khách khứa thưa
thớt, có lẽ vụ án mạng không đầu đã khiến thực khách e ngại đến đây vì sợ
gặp vận đen.
Vụ án ấy xảy ra ở một gian giữa tầng hai, gian thứ năm hay thứ sáu gì
đó…
Cửa quán đang khép nên chẳng nhìn thấy gì bên trong, tất nhiên Biện
Nhi càng không thể điều tra gì hết. Cô khẽ thúc lừa rảo bước, đi qua Phạm
lâu, rồi đi về hướng đông.
• • •
Tháng trước, vụ án xác chết không đầu Phạm lâu rất xôn xao.
Hai vị tiến sĩ đỗ khoa trước là Đổng Khiêm và Tào Kỷ cùng vào Phạm
lâu uống rượu, họ mời Trì Liễu Liễu đàn hát giúp vui. Nửa chừng, cô ra về,
Đổng Khiêm và Tào Hỷ tiếp tục ngồi uống. Khi tiểu nhị bưng đồ ăn lên thì
thấy Tào Hỷ đã uống say gục đầu xuống bàn, Đổng Khiêm thì nằm dưới
đất, nằm trên vũng máu, anh đã chết - nhưng không còn đầu nữa.
Người của nha môn đến điều tra, trong phòng không có đao kiếm hung
khí, đầu của Đổng Khiêm thì “mất tích”. Thực khách ngồi ở gian bên cạnh