Về sau cô mới biết anh ta tên là Đổng Khiêm. Còn anh chàng trắng trẻo
khôi ngô ngồi giữa là Tào Hỷ, anh chàng gầy gò hơi đen ngồi bên phải là
Hầu Luân. Thực ra họ đều không phải Thái học sinh mà là ba tiến sĩ đỗ
khóa trước, có quá nhiều tiến sĩ “ứ đọng” chưa được bổ làm quan nên ba
anh thuộc nhóm “dự khuyết”.
Tào Hỷ có vẻ không vui khi thấy Trì Liễu Liễu và Cổ Nhi Phong, cau
mày nói: “Các đào kép ngoài phố thì hiểu gì về Từ của Tô Đông Pha?”
Đổng Khiêm liền nói: “Ta cứ nghe thì khắc biết. Tiền, tôi xin chi.”
Tào Hỷ càng bực mình: “Đang bàn về Từ của Tô Đông Pha mà anh lại
nói đến tiền, thì còn ra gì nữa?”
Trì Liễu Liễu hơi khó chịu nhưng vẫn cười: “Ba vị công tử không nên
băn khoăn, nếu tôi hát tạm được thì thưởng tiền, nếu hát dở thì tôi cũng
không dám nhận.”
Đổng Khiêm cười, nói: “Được! Cô cứ hát đi, kệ anh ấy!”
Hầu Luân nói: “Có đáng gì đâu? Cứ nghe đã nào!”
Tào Hỷ xị mặt, im lặng, ngoảnh sang bên chẳng thèm nhìn Trì Liễu Liễu
và Cổ Nhi Phong.
Mục Trụ vội đem vào hai cái ghế đặt bên cửa để Trì Liễu Liễu và Cổ Nhi
Phong ngồi, rồi nói khéo: “Các tiến sĩ Thái học nghe cô ấy hát đều rất khen
ngợi.”
Trì Liễu Liễu thấy Cổ Nhi Phong sắc mặt nặng nề, chắc là bực mình với
Tào Hỷ, nhưng trước mặt khách cô không tiện động viên, chỉ cười nói:
“Anh Phong nổi trống lên nào!”
Cổ Nhi Phong đặt trống lên hai đầu gối, hai bàn tay ông ngón trỏ đều
thiếu một đốt nên chỉ đánh trống bằng tám ngón tay và bàn tay. Ông rất tinh
thông âm luật và đã khổ luyện nhiều năm, trống tuy nhỏ nhưng tiếng trống
sôi nổi đầy nhiệt huyết, hết sức có hồn.
Nhưng hôm đó Cổ Nhi Phong luôn cúi đầu, sắc mặt buồn buồn, tay trống
hơi rối loạn, tiếng trống không có sức sống, khác hẳn khí thế mọi ngày. Trì