trí nhớ rất tốt, cô nhớ được mười mấy bài trường ca, vài trăm bài hát dùng
trong yến tiệc xã giao, cô gảy đàn tì bà cũng rất tuyệt. Trì Liễu Liễu cũng
rất có bản lĩnh, không e dè, không bao giờ bị nhầm lẫn sai sót. Bài hát
“Viên lý viên” hôm nay thì lại càng thuộc lòng vì cô đã hát đến vài trăm lần
rồi, nhưng không hiểu sao cô lại vài lần quên lời và hát lạc giọng, tay đàn
cũng bấm nhầm phím, thậm chí cô muốn ném đàn đi cho xong. Vất vả lắm
cô mới hát xong đoạn cuối cùng của bài “Viên lý viên”.
Trì Liễu Liễu không phải ca kỹ chính cống nên cô khó mà vào “làng
nghề”, các kỹ viện hay ban ca kịch không nhận cô. Cô chỉ quen diễn một
mình, và cũng dám đi một mình đến các yến tiệc tụ hội để diễn, để giúp vui
cho thiên hạ, kinh thành gọi cô là “kỳ lộ nhân” hoặc “đả tửu tọa”
. Quán
Tôn Dương là một trong bảy mươi hai chính điếm
ở Biện Kinh, họ thuê vài chục ca kỹ chính cống, lẽ ra Trì Liễu Liễu không
thể vào đây hát, nhưng vì mọi ngày cô có mối quan hệ tốt với vị chủ quản
và các bác cao niên nên đôi khi vào ban ngày cô có thể vào diễn, nếu đông
khách mà ca kỹ nội bộ không đủ để phục vụ.
Hôm nay bác Chúc - người của quán, biết cô đang có chuyện buồn suốt
tháng qua không đi hát, bèn viết thư gọi cô đến hát. Cô không tiện từ chối,
nên đã cố gượng mà đến. Nào ngờ vừa vào cổng thành thì cô nhìn thấy tên
hung thủ Tào Hỷ - hắn đã được thả, đang cùng cha hắn là Tào Đại Nguyên
cưỡi ngựa đi bên nhau, vừa đi vừa cười rất khoái trá. Hắn rất đắc ý ngẩng
cao đầu, như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí không nhìn thấy Trì Liễu
Liễu.
Tâm trạng cô mới tạm lắng xuống, bỗng lại nhói đau. Cảnh tượng đẫm
máu cách đây một tháng lại hiện lên trước mắt Trì Liễu Liễu. Đổng Khiêm
nằm bên chân tường, máu loang khắp mặt đất, cổ bị cứa, mất đầu, thi thể
thậm chí vẫn còn âm ấm. Lúc đó Tào Hỷ đứng bên giả vờ rất kinh ngạc cứ
như không biết gì hết…
• • •