Chương 3
SỐNG TRÊN TRỤC DỌC
Mật mã của sắc đẹp và sự béo phì
C
uộc sống vốn luôn xung đột. Tất cả những trải nghiệm của chúng ta trong
cuộc sống đều nằm đâu đó trên một trục giữa hai thái cực. Một người
không thể nào cảm nhận được trọn vẹn niềm vui sướng nếu chưa từng trải
qua những nỗi đau buồn. Mức độ cảm nhận trải nghiệm của chúng ta phụ
thuộc vào vị trí của trải nghiệm đó trên trục (đau buồn đôi chút, vui sướng
cực độ, v.v.). Cơ chế truyền tải nỗi đau đến não bộ cũng chính là cơ chế
truyền tải niềm khoái lạc, điều mà những kẻ mắc chứng khổ dâm hiểu rất
rõ.
Những sự xung đột tương tự như vậy tạo nên những nền văn hóa. Mọi
nền văn hóa đều được cấu thành từ vô số thái cực và sự xung đột giữa các
thái cực đối lập nhau. Ví dụ, một trong những xung đột hàng đầu trong nền
văn hóa Mỹ là sự xung đột giữa tự do và cấm đoán. Chúng ta xem tự do là
một quyền không thể xâm phạm. Chúng ta đã trải qua biết bao cuộc chiến
để bảo vệ quyền tự do, và những người dân Mỹ sẵn lòng xả thân để giữ
vững quyền tự do đó. Thế nhưng đồng thời, nền văn hóa của chúng ta cũng
cấm đoán cực kỳ quyết liệt. Chúng ta tin rằng không nên chè chén quá đà,
chơi bời quá nhiều, hay phô trương sự giàu có quá mức. Trong khi trục
không bao giờ tự biến đổi thì vị trí của nền văn hóa trên một trục cụ thể
thay đổi qua từng thời kỳ. Ví dụ, vào nhiều thời điểm trong lịch sử, nền văn
hóa Mỹ nằm ở những vị trí khác nhau trên trục tự do – cấm đoán (nghiêng
hẳn về thái cực cấm đoán vào thập niên 1920 và theo chiều hoàn toàn
ngược lại vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970), nhưng dẫu thế
nào, thế lực đối lập luôn xuất hiện (những kẻ buôn rượu lậu trong thập niên
1920 và phe Ôn hòa ở khoảng thời gian sau). Sự xung đột này luôn tồn tại
và góp phần hình thành nên nền văn hóa của chúng ta.