“Trong lịch sử nhân loại, chẳng ai buồn nhớ tên những người đã
từng trải qua một cuộc đời nhạt nhẽo.”
Theodore Roosevelt
Cứ cho rằng nghịch cảnh là tiền thân của những kết quả tích
cực và tổn thương có thể giúp bản thân và tâm hồn chúng ta phát
triển, người ta vẫn tự hỏi liệu sự đau đớn và thống khổ có thật sự
cần thiết hay là một điều tốt hay không. Chắc chắn, như chúng
ta đã thấy, nỗi đau giúp con người trưởng thành hơn và nhiều cơ
hội sẽ không được tìm thấy nếu hoàn cảnh khác đi. Nhưng sự đau
khổ có “cần thiết” cho việc phát triển hay không? Giáo sư Tedeschi
và Calhoun, hai chuyên gia về sự phát triển sau tổn thương đều
nắm rõ điểm này. Họ nói, “Chúng tôi không cho rằng tổn thương là
“tốt”. Đối với hầu hết những người từng vượt qua tổn thương, thì
sự phát triển sau tổn thương và nỗi đau sẽ tồn tại song song, và sự
phát triển có được là từ nỗ lực đương đầu với khó khăn chứ không
phải từ chính tổn thương đó.”
Các nhà chuyên môn tiếp tục nhấn mạnh rằng, “Tổn thương
không cần thiết cho sự phát triển”. Họ nói con người hoàn toàn có
thể “trưởng thành và phát triển theo hướng tích cực chứ không nhất
thiết phải trải qua bi kịch hay tổn thương”. Chẳng có gì đảm bảo sau
tổn thương con người sẽ trưởng thành hơn, ngay cả khi sự phát triển
này được quan sát thấy ở những người đã vượt qua bi kịch cuộc
sống, thì cũng chẳng ai mong muốn những khủng hoảng, mất mát
và tổn thương ấy.
Tiến sĩ Viktor Frankl, người sáng lập Liệu pháp ý nghĩa, đưa ra
cùng một câu hỏi: có phải sự đau khổ là không thể thiếu nếu muốn
khám phá ra ý nghĩa? Và ông nhấn mạnh câu trả lời, “Không đời
nào! Tôi chỉ cam đoan rằng ý nghĩa luôn tồn tại dù cho – hay nói
đúng hơn là ngay cả khi – chúng ta buộc phải đối mặt với khó khăn…