KHAI TỪ CẦN THIẾT
Trong cuốn “tiểu thuyết” viết tặng các sơn binh Pháp và Ý ngã gục trên dãy
núi Alpes vào tháng Sáu buồn thảm dạo nào của năm 1940 này, tất cả đều
đúng sự thật: thời gian, con người, sự kiện, cảm xúc, không gian. Các nhân
vật là những quân sĩ thám phòng, những khinh bộ binh của các tiểu đoàn
Edolo, Morbegno, Tirana, Verona, họ mang tên thật, mặt thật. Nhiều người
Ý trong số đó về sau ngã gục ở miền núi Hy Lạp hay trên các cánh đồng cỏ
hoang vu ở Nga. Chỉ có bọn họ, bọn người chết đó, bọn người chết đáng
thương của Pháp và Ý, mới đem lại cho cuốn “tiểu thuyết” này cái giọng
thức tỉnh, cái âm sắc tuyệt vọng, cái tiếng nói buồn bã quạnh quẽ. Chỉ có
bọn họ mới cho cuộc chiến mê muội kia cái ý nghĩa bi đát trong tính vô ích
của nó. Nếu những người chết ấy có được một công ích gì, thì cuộc chiến
mê muội kia đã xoay chiều ra sao? (Với bao tàn ác vô ích, giết chóc vô ích
và đổ nát vô ích, cuộc chiến tranh đó hiện nguyên hình một công trình pháp
lý hung tàn phanh phơi sự góp mặt cần thiết, sự dự phần tiếp tay không thể
thiếu của Thượng đế.) Lũ người chết vô ích: chỉ có thể biện giải theo cách
đó thôi. Từ nay ta cần phải nói, không phải nể nang người sống làm gì,
rằng chẳng có một cái gì ở châu Âu xứng đáng để ta phải chết. Cũng chẳng
đáng phải chết để chứng tỏ rằng chết là vô ích, rằng cái chết chẳng dùng
vào việc gì, chẳng cứu giải được gì, rằng thắng trận có lẽ còn vô đạo đức
hơn bại trận; mà cũng chẳng cần chết mới chứng tỏ rằng đứa chết xứng
đáng hơn đứa sống. (Vâng, nghiễm nhiên sự thắng trận là một điều nhục
nhã. Ở châu Âu, còn gì cho chúng ta đâu, ngoại trừ niềm an ủi đến với
chúng ta từ đạo Ki tô.)