Trong suốt mười ngày sau đó, Địch Công dành trọn thời giờ để xử lý mọi
việc của Tiền Mưu và Nghê Kỳ. Hai gã môn khách của Tiền Mưu cũng
phải chịu sự trừng phạt dù không nặng, và đám thủ hạ chuyên đi bóc lột
người khác của hắn cũng phải chịu chung cảnh. Nhị phu nhân được cho
biết về nội dung bản chúc thư của Nghê đại nhân. Nàng sẽ được mời lên
công đường ngay khi phán quyết cuối cùng của các vị thượng quan từ kinh
thành được đưa đến.
Hồng Sư gia hi vọng Địch Công được nghỉ ngơi đôi chút khi phá giải xong
ba vụ án và đập tan âm mưu đánh chiếm huyện Lan Phường. Nhưng lão
thất vọng khi biết ông vẫn còn đau đầu lo lắng về điều gì đó. Địch Công
hay ở trong tâm trạng không tốt, và đôi khi xem lại những quyết định cũ, đó
là điều rất lạ đối với ông. Sư gia không thể hình dung nguyên nhân nỗi âu
lo của chủ, và Địch Công cũng không đưa ra bất cứ lời giải thích nào.
Một buổi sáng, có tiếng vó ngựa rền vang và tiếng chiêng làm náo động cả
con phố chính. Hai trăm binh sĩ của triều đình tiến vào huyện Lan Phường,
cờ xí ngợp trời. Đây là lực lượng đồn trú được cử đến theo thỉnh cầu của
Địch Công.
Chỉ huy là một vị tướng quân vốn chuyên chống phiến quân ở phương Bắc,
một vị tướng trẻ trung văn võ song toàn để lại cho Địch Công ấn tượng tốt
đẹp. Y trình thư của Bộ Binh, thư đó trao cho Địch Công toàn quyền đối
với hoạt động quân sự ở huyện này.
Đơn vị đồn trú ấy đến đóng tại gia trang của Tiền Mưu. Kiều Thái được trở
về huyện nha.
Quan quân được cử đến khiến Địch Công phấn chấn hơn hẳn. Tuy vậy, ông
lại nhanh chóng rơi vào tâm trạng buồn rầu. Ông vùi mình vào những công
vụ thường nhật ở huyện và ít khi ra ngoài. Lần duy nhất ông rời khỏi huyện
nha là khi đến đám tang của Bạch Lan.