Cuối cùng, vai trò của ‘Hạc Y tiên sinh’ trong truyện (xem hồi 19) là một
phiên bản đã tiết chế của kiểu nhân vật ‘thần bí’ trong nhiều truyện trinh
thám cổ điển Trung Quốc; những nhân vật này có năng lực siêu nhiên (đôi
khi chính là thần tiên hạ phàm dưới hình dạng con người) có thể giúp
Huyện lệnh hóa giải một vụ án phức tạp bằng những quyền năng bí ẩn.
Đương nhiên, yếu tố này không được độc giả hiện đại chấp nhận. Bởi thế,
trong cuốn truyện này, tôi giới thiệu Hạc Y tiên sinh là một ẩn sĩ Đạo gia
uyên bác, mọi manh mối mà Địch Công khám phá ra trong cuộc trò chuyện
hoặc là kết quả của một sự tình cờ may mắn, hoặc do hiểu biết của tiên sinh
về chuyện nhà họ Nghê, hoặc là do năng lực trí tuệ phi thường của tiên
sinh, tùy bạn đọc nhận định. Tôi chọn nền tảng của cuộc trò chuyện ấy là
sự tương phản giữa Đạo Khổng và Đạo Lão. Độc giả đều đã rõ, Đạo Khổng
và Đạo Lão là hai đạo cơ bản chi phối đến triết học và tôn giáo Trung Quốc
từ khoảng thế kỷ IV trước Công Nguyên. Đạo Khổng thực tiễn và chiếm số
đông trong dân chúng, Đạo Lão lại huyền bí và hoàn toàn thoát tục.
Địch Công, một vị quan - nho sinh của Đạo Khổng chính thống, tôn kính
Kinh Thư của Khổng Tử, những tác phẩm có tầm quan trọng tối cao đối với
những giá trị đạo đức được chấp nhận như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… Mặt
khác, Hạc Y tiên sinh lại chủ trương theo nguyên lý của Đạo Lão về tính
tương đối của mọi giá trị đã được thừa nhận, và một cuộc sống ung dung tự
tại trong sự hài hòa viên mãn với tự nhiên nguyên thủy. Hai quan điểm
xung khắc được cô đọng lại trong đôi câu đối của Nghê Tuần phủ về loài
giun và loài rồng. Cặp câu đối này tôi trích dẫn trong triết lý về Thiền của
đạo Phật. Thiền trong đạo Phật khá gần gũi với đạo Lão.
Robert van Gulik