Tình tiết thiếu nữ bị chặt đầu khá phổ biến trong nhiều truyện trinh thám
Trung Quốc cổ điển; có thể xem trong bản dịch của tôi về cuốn Đường Âm
Bỉ Sự, vụ án 64-A. Tôi đã đưa tình tiết này vào một câu chuyện xoay quanh
kẻ mắc chứng đồng dâm nữ, một chứng loạn trí được nhắc đến trong nhiều
tiểu thuyết và kịch ở Trung Quốc. Điển hình nhất chính là câu chuyện tình
của cô gái Tào Ngữ Hoa và bà Thôi Tiên Vân trong vở kịch Liên Hương
Bạn ở thế kỷ XVII của nghệ sĩ - kịch tác gia trứ danh Lý Ngư. Sự độc ác
của phụ nữ đối với những tỳ nữ được mô tả phong phú trong các ‘tiểu
thuyết đạo đức’ của Trung Quốc; tôi xin viện dẫn chương VIII trong tiểu
thuyết nổi tiếng Kim Bình Mai. Trung Quốc thời xưa, thường xuyên có
cảnh đồng dâm nữ và hay những hành vi tàn ác giữa những phụ nữ do gia
đình theo chế độ đa thê, nhiều phụ nữ phải sống chung đụng triền miên.
Những sinh viên của ngành xã hội học sẽ gặp nhiều vấn đề cần thảo luận ở
một số đoạn trong cuốn sách của tôi, nhan đề Erotic Colour Prints of the
Ming Period (Tokyo 1951, Vol. I, p. 146-148). Tôi đã lựa chọn động cơ này
để đưa vào cuốn truyện các bạn đang đọc, một phần vì nó giúp tôi có thể
tạo ra các diễn tiến bất ngờ và một phần cũng nhằm thể hiện tính bất ngờ
của các cốt truyện Trung Hoa cổ ‘hiện đại’.
Vụ án ba nhà sư khai man việc bị mất bức tượng vàng trong chương VII
của cuốn truyện này được dựa trên một câu truyện trong bộ Đường Âm Bỉ
Sự, một tuyển tập các vụ án đã được nhắc đến ở trên. Vụ án đặc biệt này
nằm ở trang 159 trong bản dịch của tôi, Vụ án 57-B.
‘Cốt’ của cuốn sách, câu chuyện về một thị trấn xa xôi, có một tên ác bá
lộng hành, cũng là một tình tiết phổ biến trong các tiểu thuyết Trung Quốc.
Đôi khi, một Huyện lệnh sáng suốt sẽ dùng mưu khuất phục kẻ nổi loạn đó,
đôi khi chính kẻ nổi loạn đó lại là người hùng của câu chuyện. Nhân vật
này sẽ chiếm quyền của một vị Huyện lệnh vô năng, sau đó sẽ được chính
thức xác lập vị trí của mình thông qua cách cai quản lý tưởng.