CHƯƠNG 1
Tại sao phải mê hoặc?
Trước tiên ta phải trải nghiệm những gì mình muốn thể hiện.
- Vincent van Gogh
Thiên hạ sẽ không đổ xô đến với bạn chỉ vì bạn làm ra một sản
phẩm tuyệt vời. Thật ra, sản phẩm càng tuyệt vời bao nhiêu thì càng
khó để mọi người để mắt đến nó, vì nó quá khác biệt với những gì
quen thuộc chương này giải thích thế nào là mê hoặc, khi nào và tại
sao ta lại cần nó, và đạo lý khi mê hoặc người khác.
Thế nào là mê hoặc?
Trong khoảng thời gian làm việc ở Peace Corp từ 1987 đến 1989, tác gia
và nhà làm phim Karin Muller đã đào nhiều giếng nước và xây nhiều
trường học cho một ngôi làng ở Philippines. Một đêm nọ, mười bảy thành
viên thuộc NPA (Quân đội Nhân dân Mới) - lực lượng vũ trang của Đảng
Cộng sản Philippines - đến lều để thẩm vấn bà. Trước đó, dân làng đã cảnh
báo Muller về việc này, do đó bà đã chuẩn bị hai thứ đặc biệt: đường và cà
phê.
Khi người của NPA đến, bà thốt lên “Tạ ơn Chúa các anh đã đến. Tôi
chờ mọi người cả ngày rồi. Xin mời vào, dùng cà phê với tôi. Hãy để súng
ngoài cửa”. Hành động đó làm người chỉ huy hoàn toàn bối rối, anh ta bỏ
súng xuống và ngồi uống cà phê. Bà đã tránh được cuộc thẩm vấn (hoặc có
thể tồi tệ hơn thế) vì Muller biết “ta không thể tra hỏi người đang uống cà
phê với mình”.
Muller đã không phản ứng với sự giận dữ, căm phẫn hoặc hoảng loạn
(nếu là tôi thì chắc tôi đã như thế). Thay vào đó, bà tác động vào cảm xúc
của người chỉ huy và xoay chuyển tình huống lúc ấy từ bạo lực và đe dọa
thành một cuộc đối thoại và giao tiếp. Bà dùng lòng hiếu khách đầy bất ngờ
để làm thay đổi tình cảm, suy nghĩ và hành động của người chỉ huy.