3
“Sau khi sự kiện kết thúc, biết tin đã có kết quả giải phẫu khám nghiệm tử
thi ông Miyagaki, em bắt đầu nghi ngờ cái gọi là ‘sự thật’ đã bị phơi bày
kia.” Shishiya trịnh trọng nói, “Nguyên nhân tử vong là vì chất độc nicotin,
thời gian là khoảng 4 giờ sáng ngày 3 tháng Tư, chênh lệch không quá hai
tiếng đồng hồ. Nếu nói ông Miyagaki tấn công Funaoka, sau đó lập tức đi
đến căn phòng ở tầng hầm thứ hai rồi tự sát thì thời gian tử vong này là hợp
lý. Có điều, kết quả mổ tử thi cho thấy ông ấy bị ung thư phổi rất nhẹ, chưa
thể ho ra máu cũng như đờm dãi dính máu. Với cảnh sát thì cái gọi là ‘logic
chặt đầu’ ấy không có chứng cứ xác thực, cho nên họ chỉ có thể kết luận dựa
trên các hiện tượng bề nổi mà thôi, nhưng em không thể chấp nhận kết quả
đó. Chưa kể, đến phút cuối, em còn phát hiện một vấn đề nữa trong di chúc
của ông Miyagaki về việc trao quyền thừa kế tài sản cho người có quan hệ
huyết thống với ông ấy…”
“Đó là một đứa trẻ 9 tuổi tên là Samejima Yoji.”
“Đúng.”
“Việc bố trí cho Samejima căn phòng tên Pasiphae cũng có thể xem là một dấu
hiệu. Pasiphae là cung phi của Minos, cũng là mẹ của vương tử dị dạng
Minotaur.”
Tại sao trong cuốn tiểu thuyết này lại có một nhân vật được tác giả cố ý miêu
tả cho độc giả hiểu lầm như thế? Nhân vật đó, đương nhiên là nhà phê bình
Samejima.
Thực tế, Samejima Tomoo là một phụ nữ, nhưng tiểu thuyết này không đề cập
đến giới tính của cô ta. Tác giả miêu tả nhân vật ấy như một nam giới, trong khi
ngôn từ lại cố tình không viết rõ rằng Samejima là nam. Cái tên ‘Tomoo’ là nam
hoặc nữ đều được, tiểu thuyết lại còn bóng gió rằng, “Nếu mặc sơ mi trắng, trẻ
hơn vài tuổi, có bảo đó là một ‘anh chàng điển trai’ thì cũng không quá lời.” Tóm
lại, mỗi khi đề cập đến giới tính của nhân vật ‘Samejima’, tác giả đều dùng
những từ ngữ miêu tả mơ hồ, để người đọc nhận định là nam hay nữ thì tùy họ.