lắm, đặc biệt là môn Toán, cậu chỉ được 9,5 điểm, vì có mấy lỗi
nhỏ do Tôn quên hoặc viết sai nên bị trừ 0,5 điểm. Mẹ cho
rằng, đó là do Tôn cẩu thả, còn đề bài Tôn đã hoàn toàn hiểu
và nắm bắt được. Vì thế, mẹ không để ý nhiều đến thành tích
của con, mẹ chỉ quan tâm đến việc Tôn đã không thể hiện trọn
vẹn khả năng của con mà thôi.
Đương nhiên, mẹ cũng thấy sự tiến bộ của Tôn, ví dụ môn
Văn, Tôn đã làm nghiêm túc hơn, môn đọc hiểu cũng tiến bộ
hơn.
Mẹ cho rằng, hiệu quả học tập của cậu đã tốt hơn trước,
nhưng thái độ nghiêm túc của Tôn vẫn chưa cao lắm. Vì thế,
mặc dù mẹ thấy điểm số của con không được tốt, nhưng cũng
không phê bình cậu. Đương nhiên, mẹ cũng không hỏi cậu xếp
thứ mấy trong lớp, vì mẹ nghĩ cậu dần dần tiến bộ là được.
Đúng như một nhà giáo dục đã từng nói: “Trẻ em giống như đóa hoa,
điểm số chỉ là một bông hoa trong đóa hoa ấy mà thôi”. Vì thế, mẹ nên
dùng thái độ bình tĩnh, ôn hòa nhìn nhận mỗi lần kiểm tra, thi cử của
con.
Xã hội ngày nay cần đến những nhân tài có năng lực tổng hợp, chứ
không phải là người có điểm số cao. Nếu trẻ có điểm cao mà khả năng
giao tiếp kém, khả năng tự lập và chống chọi với thất bại kém, thì cũng
sẽ không đứng vững trong xã hội, cũng không thể thành công. Vì thế,
mẹ đừng chỉ yêu cầu con đạt điểm cao, mà nên giúp con có phương
pháp học thích hợp, bồi dưỡng nhân cách toàn diện, đó mới là những kĩ
năng con cần chuẩn bị tốt nhất cho quá trình trưởng thành.
°°° GỢI Ý CHO MẸ °°°
Gợi ý 1: Thừa nhận sự khác nhau của trẻ
Mẹ nên thừa nhận sự khác nhau của trẻ. Mỗi người đều có
năng lực và tính cách khác nhau, vì thế trong học tập, cuộc
sống cũng có biểu hiện khác nhau. Hơn nữa, thói quen, hứng
thú, phương pháp học tập của mỗi trẻ khác nhau, những yếu tố
này dẫn đến thành tích học tập khác nhau của trẻ.
Vì thế, mẹ nên thừa nhận sự khác nhau ấy của trẻ, không
nên mù quáng “chạy theo điểm số” mà nên cổ vũ trẻ phát huy
sở trường của mình, như vậy mới có lợi cho sự trưởng thành
của trẻ.