Không phải đứa trẻ có thành tích học tập tốt nào cũng là
“mọt sách”, suốt ngày cắm đầu học hành như mọi người thường
nghĩ, ngược lại, các em còn chú trọng đến nghỉ ngơi, vui chơi
hơn những đứa trẻ khác. Nhiều thủ khoa đã tiết lộ rằng, bản
thân luôn giữ tâm trạng rất thoải mái, vui vẻ, cũng dành thời
gian nghỉ ngơi, chơi đùa trước mỗi kì thi, nhưng không để điều
đó làm ảnh hưởng xấu đến học tập.
Vì thế, mẹ không nên chỉ để ý đến thời gian học tập của con
mà nên giúp trẻ nắm bắt các phương pháp học tập khoa học,
tìm ra cách học tốt nhất, hiệu quả nhất.
Ghi chép dành cho mẹ
Khả năng học tập tự giác chủ động có thể nâng cao
thành tích học tập và niềm tin cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều trẻ
khó hình thành ý thức tự giác học, vì thế, mẹ cần kích thích
hứng thú học, giúp trẻ nắm bắt các phương pháp học khoa
học. Khi trẻ có tiến bộ, mẹ cần kịp thời khen thưởng, để trẻ
càng ham học hơn.
LOẠI BỎ CẢM GIÁC CHÁN HỌC CỦA
TRẺ
Bà mẹ nào cũng hi vọng con cái mình thông minh, hiếu học. Nhưng
trong thực tế, không ít trẻ lên lớp là ngủ gật, cứ học là thở dài chán nản,
nhắc đến học là thấy mệt mỏi, đau đầu, thậm chí còn trốn học, bỏ học.
Những hành vi này có liên quan đến tâm trạng chán học của trẻ. Tâm
trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và thành tích học tập.
Trẻ chán học chia làm ba cấp độ: Chán học cấp độ nhẹ biểu hiện ở
việc trẻ không thích hoặc không muốn học, không tập trung học bài,
không làm hết bài tập…; chán học cấp độ vừa biểu hiện trốn học hoặc bỏ
học; chán học cấp độ nặng phát triển thành vấn đề tâm lí như mắc
chứng bệnh chán học, có khuynh hướng lệch lạc về đạo đức, tính cách.
Trên thực tế, rất nhiều trẻ ở mức độ chán học cấp độ nhẹ, sự nguy hại
mà nó mang lại có tính tiềm ẩn, lâu dài, không chỉ ảnh hưởng đến
thành tích học tập, mà còn gây ra một số vấn đề tâm lí, gây tổn thương
đến thể chất và tâm hồn trẻ.