Tình yêu thương của mẹ không nên chỉ biểu hiện ở việc đáp ứng đầy
đủ nhu cầu vật chất cho con, mà còn cần giao lưu tình cảm với con. Nếu
mẹ và con thiếu đi sợi dây tình cảm chân tình, mẹ sẽ không biết con cái
đang nghĩ gì, cũng không tìm được cách dạy dỗ thích hợp. Nếu mẹ
không có cách dạy dỗ thích hợp, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và
điều này không có lợi cho sự trưởng thành của trẻ.
°°° GỢI Ý CHO MẸ °°°
Gợi ý 1: Tìm cơ hội giao lưu, nói chuyện với trẻ
Mẹ không nên chỉ biết nhìn vào điểm số của con cái, chỉ bắt
con học và học. Ngoài việc học ra, cuộc sống của trẻ cần có biết
bao nhiêu điều tốt đẹp khác. Vì thế, mẹ nên tìm cơ hội tâm sự
với con, không chỉ về vấn đề học tập, mà còn là những phương
diện khác trong cuộc sống hàng ngày. Qua việc nói chuyện, trẻ
sẽ cảm nhận thấy mẹ cũng tôn trọng và quan tâm đến mình,
tình cảm của hai mẹ con sẽ càng thân thiết hơn.
Gợi ý 2: Học cách lắng nghe con nói
Khi nói chuyện với con cái, mẹ cần chú ý nói ít, nghe nhiều.
Tuy nhiên, nhiều bà mẹ mắc bệnh chỉ thích con cái nghe mình
nói mà rất ít khi chủ động lắng nghe con nói.
Lắng nghe con nói có thể cho con thấy mẹ quan tâm và tôn
trọng con cái như thế nào. Không cần nhiều thời gian để lắng
nghe, chỉ cần vài phút là đủ. Như vậy con cái mới mở lòng,
muốn được tâm sự với mẹ.
Gợi ý 3: Không nên ra lệnh cho trẻ
Nhiều bà mẹ cho rằng, con cái do mình sinh ra, phải nghe
lời mình. Thực ra, quyền uy của mẹ không thể có được dựa trên
sự ra lệnh và ép buộc. Những trẻ thường bị mẹ ra lệnh, nhìn bề
ngoài có vẻ phục tùng, ngoan ngoãn, nhưng trong nội tâm
chúng lại không phục chút nào, thậm chí còn có tâm lí chống
đối. Cách mẹ nói với con khác nhau thì hiệu quả dạy con cũng
sẽ khác nhau. Mẹ thường dùng ngữ điệu ra lệnh, lạnh lùng nói
với con, sẽ dễ phá vỡ tình cảm thân thiết giữa hai mẹ con.
Ngược lại, mẹ dùng cách nói dịu dàng, mềm mỏng nói với con,
con sẽ cảm nhận được sự tôn trọng của mẹ, tự nhiên sẽ nghe lời
mẹ và trở nên thân thiết với mẹ.