Đặc biệt là vào mỗi buổi sáng, mẹ luôn chân luôn tay, vì sợ đi
làm muộn nên vừa nấu ăn vừa gọi con dậy. Nhưng Trà My chỉ
nằm trong chăn gọi mẹ, mẹ đến bên và hỏi sao thức rồi mà
không đứng dậy, rồi lại vội vàng đi chuẩn bị đồ ăn sáng. Trà My
thấy mẹ không để ý đến mình, đột nhiên hét to: Mẹ ơi, mẹ ơi, lại
đây, mẹ lại đây mau lên!
Mẹ chỉ đáp lại, tay vẫn không ngừng làm việc. Cô bé nằm
trong chăn gọi to: Mẹ mau lại đây đi! Mẹ nghe thấy con gọi, lập
tức chạy đến. Cô bé bỗng ngồi bật dậy rồi cười. Mẹ chán nản với
trò đùa của con, kêu con đứng dậy thì thấy cô bé lẩm bẩm một
vài câu gì đó. Mẹ đột nhiên hiểu ra: Con gái thật sự muốn mẹ
lắng nghe mình nói!
Nhịp độ sống nhanh, công việc bận rộn, rất nhiều bà mẹ không có
kiên nhẫn với con cái, thường xuyên ngắt lời con, cho rằng con nói vớ
vẩn, linh tinh và không để ý. Dần dần, trẻ không còn muốn nói chuyện
với mẹ, cũng không muốn nghe mẹ nói nữa. Đến khi mẹ hiểu ra thì việc
giao tiếp giữa hai mẹ con đã thực sự trở nên khó khăn.
Khi trẻ muốn nói ra vấn đề của mình, thì vấn đề đó coi như đã được
giải quyết một nửa rồi. Hơn nữa, chỉ có để ý lắng nghe con nói, mẹ mới
nắm bắt thông tin có hiệu quả và tìm ra cách dạy dỗ con thích hợp.
°°° GỢI Ý CHO MẸ °°°
Gợi ý 1: Lắng nghe những lời con nói
Khi trẻ tỏ ý muốn nói chuyện, mẹ nên gác lại những việc
đang làm dở và dành thời gian cho con, tỏ thái độ muốn lắng
nghe con. Đồng thời, cần thông qua các hình thức như: gật
đầu, mỉm cười cho trẻ thấy mẹ đang rất chăm chú vào câu
chuyện.
Khi trẻ nói chuyện, cho dù có chỗ không đúng, mẹ cũng
không nên tùy tiện làm gián đoạn hoặc vội vã bình luận.
Mẹ có thể không chấp nhận hành động sai trái của con,
nhưng cần chấp nhận và tôn trọng cảm nhận của con. Ví dụ,
con nói cho mẹ biết con đã tức giận với người bạn của mình
như thế nào, mẹ thấu hiểu nhưng không cho phép con dùng
cách cười nhạo hoặc đánh mắng người khác để trút giận.
Gợi ý 2: Hiểu cảm giác của con