chứ? Nơi rừng già núi sâu hiếm dấu chân người qua lại đào đâu ra đường
mà đi?”
Tuyệt dịch lại cho Tư Mã Khôi: “Ý của Chủ Nhật muốn nói...
trong khe núi đằng kia có một con đường tên là: đường U Linh.”
Thông tin này khiến ba người đều cảm thấy rất đỗi mơ hồ, đường
U Linh nghĩa là gì? Nó là con đường cho người đi hay cho ma đi?
Khả năng biểu đạt của Karaweik rất kém, không thể giải thích rõ ý
nghĩ của mình. Cậu vò đầu bứt tai liên tục, rồi dường như chợt nhớ ra
điều gì, cậu bèn dốc ngược túi xách, lật tìm một hồi lâu, cuối cùng cũng
lôi được một cuốn nhật ký rách nát, đưa cho hội Tư Mã Khôi xem.
Tư Mã Khôi đón lấy cuốn sách, cảm thấy hình như trong cuốn nhật
ký có kẹp một vật gì đó, anh liền lật ra xem thì thấy một chiếc cầu vai
của bộ quân phục, trên đó thêu hình một chiếc đầu hổ, nền màu xanh
thẫm, như để tượng trưng cho rừng rậm nhiệt đới, bên dưới có mấy hàng
chữ cái tiếng Anh, nhưng đã bị sờn rách từ lâu, khó có thể phân biệt đó
là chữ gì. Dưới chiếc huy hiệu còn kẹp một bức ảnh đen trắng đã ngả
vàng, hình ảnh không rõ nét, có lẽ là bức ảnh chụp tập thể của cả doanh
trại bộ đội hơn mấy trăm người. Do số người quá đông nên trông toàn
cảnh chi chít, không nhìn rõ được từng chi tiết cụ thể.
Giở mấy trang tiếp, đọc nội dung được ghi chép bên trong cuốn
nhật ký, không ngờ văn tự toàn bộ lại là chữ Hán, Tư Mã Khôi chỉ giở
vài trang, càng đọc trong lòng càng cảm thấy kinh ngạc. Cùng lúc đó,
anh cũng suy đoán được câu chuyện mà Karaweik muốn nói: Ở góc ngọn
núi hoang vu hiểm yếu nhất của núi Dã Nhân, quả thực tồn tại một con
đường vừa ẩn khuất vừa thần bí, tên là U Linh. Con đường đó vốn có tên
là Stilwell, được bộ đội công binh hai nước Trung - Mỹ liên kết xây
dựng nên trong thời kỳ thế chiến thứ hai. Cuốn nhật ký cũng nhắc đến
dải khu vực có liên quan đến đường U Linh, với rất nhiều sự kiện đặc
biệt thần bí khác.