đường, cuộc chiến tranh với quân Nhật vẫn diễn ra ngày một khốc liệt
hơn, mỗi một mét đường đều được đắp bởi sự hi sinh của bao mạng
người. Có thể nói, người ta đã dùng tính mạng quý báu của không biết
bao nhiêu quân nhân để đổi lấy con đường khúc khuỷu gồ ghề đó.
Điều hiển nhiên mà ai cũng biết là, con đường Stilwell không phải
tuyến đường duy nhất, ngoài hai trục đường chủ đạo, mà lúc đó gọi là
“trục bắc” và “trục nam” ra thì ở giữa còn có rất nhiều đường nhánh,
nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất ở đây quá phức tạp, môi trường
tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, khiến con đường đang xây dựng dở dang
thì bị bỏ dở và chuyển sang nơi khác. Vì vậy, men theo con đường
Stilwell ngoằn ngoèo như rắn lượn cũng xuất hiện rất nhiều đoạn đường
rẽ ngang bị bỏ hoang phế.
Tuyến đường bị bỏ hoang dài nhất trong đó nằm trong lòng núi Dã
Nhân, thuộc miền bắc Miến Điện. Năm đó, bộ đội công binh hai nước
Trung - Mỹ đã tìm thấy một con đường xưa cũ hoang tàn, có từ thời kỳ
chiến tranh giữa Anh và Miến Điện còn để lại trong cánh rừng bí ẩn nơi
núi sâu.
Từ những năm chủ nghĩa thực dân bành trướng ở phương Tây,
người Pháp đặt hệ thống cai trị của mình dọc suốt ba nước Việt Nam,
Campuchia, Lào và gọi chung là Đông Dương. Miến Điện lúc bấy giờ là
thuộc địa của thực dân Anh. Trong cánh rừng nguyên sinh giữa lòng sơn
cốc có một dải đất từ đầu chí cuối không thuộc địa phận của bất kỳ quốc
gia nào, nên hai nước Anh, Pháp đều đã bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc
để xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt, với ý đồ mưu chiếm khu
vực này về tay mình. Nhưng những khó khăn và nguy hiểm mà họ gặp
phải ở núi Dã Nhân quả thực đã vượt xa khỏi sức tưởng tượng của họ.
Rất nhiều người phải bỏ mạng nơi đây, bởi vậy cuối cùng công trình đã
không thể hoàn thành. Tuy vậy, những sự việc khủng khiếp mà mỗi bên
gặp phải trong núi Dã Nhân từ trước đến nay đều được giữ bí mật, chẳng
bên nào dám tiết lộ công khai.
Trong một ngôi chùa ở Miến Điện còn cất giấu một tấm bản đồ cổ
với lai lịch bất minh. Tấm bản đồ mô tả về “Tượng Môn” của núi Dã