Cuốn sổ ghi chép của cố nội Karaweik không chỉ mô tả địa hình
trong lòng “Tượng môn” hoàn toàn trùng khớp với bức bản đồ cổ, mà
còn ghi chép rất nhiều sự kiện liên quan. Nghe nói, trong thời kỳ chiến
tranh Anh - Miến, từng có một viên thượng úy người Anh chỉ huy lính
tác chiến ở gần khu vực núi Dã Nhân. Do quân Anh được trang bị vũ khí
đầy đủ, tinh nhuệ nên đã dễ dàng đánh bại kẻ địch. Trong quá trình truy
sát tàn quân, viên thượng úy đó đã gặp một con voi rừng già nua đang
chuẩn bị lên đường gặp tổ tiên ở rừng rậm nguyên sinh. Một binh sĩ
người Ấn Độ, là thuộc hạ của anh ta vì ham muốn chiếc ngà voi rừng,
định dùng súng bắn hạ sát con voi già, nhưng viên thượng úy đã hoạt
động nhiều năm ở Ấn Độ, Miến Điện… biết rõ tập tính của bầy voi rừng,
nên ngăn không cho người binh sĩ nọ nổ súng làm kinh động đến nó, mà
lặng lẽ dẫn quân đi sát theo sau. Điều anh ta muốn biết là rốt cục con voi
đến chỗ nào để chờ chết.
Thì ra voi rừng Miến Điện có một tập tính đó là khi một con voi
già yếu sắp chết, nó thường linh cảm được sự tắt rụi của số mệnh, bèn
một mình rời khỏi đàn voi, đơn độc tiến vào rừng sâu. Nó đi mãi cho đến
huyệt động đá, nơi tổ tiên mình vùi xương từ hàng ngàn năm, sau đó
nằm phủ phục bên cạnh đống xương voi chồng chất, không ăn không
uống, lặng lẽ chờ đợi thần chết đến đón.
Tương truyền, huyệt mộ voi rừng Miến Điện, cổ xưa nhất dễ có
lịch sử hàng vạn năm nên xương voi, ngà voi trong động chất đầy như
núi. số lượng di hài bầy voi rốt cục có bao nhiêu, chẳng ai đếm được
chính xác, cũng là do niên đại quá xa xôi, thậm chí có những chiếc ngà
voi quá cổ xưa đã hóa thạch nằm dưới tầng đáy của huyệt động.
Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo chế tạo từ ngà voi
được giới quý tộc châu Âu rất ưa chuộng, nên giá trị vô cùng cao. Viên
thượng úy Anh biết rằng, chỉ cần bám theo tung tích con voi già, rất có
khả năng sẽ tìm thấy miền đất vùi xương của tổ tiên nó, điều đó cũng có
nghĩa là sẽ tìm ra một kho báu vô giá, chứ không chỉ đơn giản dừng lại ở
hai chiếc ngà voi.