PHẦN MỞ ĐẦU
Giai đoạn cuối đời nhà Thanh là những năm tháng thời thế thay đổi
loạn lạc, đầy biến động, cương thường bại hoại, luật pháp lỏng lẻo, trộm
cắp cướp giật nhiều không kể xiết. Chỉ riêng hai thành phố Bắc Kinh và
Thiên Tân đã xuất hiện bốn tên đạo tặc lừng danh, bọn chúng là hung thủ
thực hiện bao vụ trọng án kinh thiên động địa, gây hiểm họa kinh hoàng
cho dân chúng.
Câu chuyện được lưu truyền trong dân gian đều không tránh khỏi
có chút thay hình đổi dạng, thêm thắt ít nhiều. Truyền kỳ về bốn tên đạo
tặc tài ba có lẽ cũng vậy, chúng trở thành đề tài nóng hổi để bàn dân
thiên hạ mang ra bàn luận khắp nơi, từ thôn cùng ngõ hẻm đến các tửu
lầu, trà quán; thậm chí người ta còn sáng tác rất nhiều khúc hát, lời vè,
truyện truyền miệng về chúng, các bài báo lá cải cũng liên tiếp đăng tải
vô số chương hồi giật gân về những hành động mới nhất của bốn tên
gian tặc này. Những chuyện về chúng được đồn đại rộng rãi đến nỗi
người người đều tỏ, ngõ ngõ đều tường. Nhưng trên thực tế, cuộc đời của
bốn tên đạo tặc đó không nhuốm đầy màu sắc thần bí như trong truyền
thuyết, chỉ có điều để được nhân gian đồn thổi ghê gớm như vậy chắc
hẳn chúng cũng phải có chút bản lĩnh ưu việt, có ý chí không chịu an
phận thủ thường, có những tài năng mà người thường không thể so bì.
Tên gian tặc đầu tiên, cũng là kẻ thành danh sớm nhất, phải kể đến
Khang Tiểu Bát. Khang Bát Gia kỳ thực không thể coi là bậc đạo tặc kỳ
tài, tên này nhà rất nghèo, bản thân là kẻ vô lại, ăn không ngồi rồi, sống
ở phía đông kinh thành, trong khu doanh gia họ Khang. Trong một lần
tình cờ, hắn đánh cắp được khẩu súng lục trên người viên công sứ Anh,
từ đó hắn ngông cuồng đến mức quên cả mình là ai, đi đến đâu cũng giết
người cướp của.