hình đầu người to lớn khác thường nằm đổ ngang trên mặt đất, từ sau
những rễ cây cổ thụ đan kết ngoằn ngoèo chồng chéo lên nhau, đôi mắt
tượng chiếu ánh nhìn đăm đăm khiến người ta không khỏi cảm thấy rợn
tóc gáy.
Càng đi vào sâu, vết tích càng nhiều. Rõ ràng trong những năm
tháng xa xưa, đã trôi vào dĩ vãng từ rất lâu, núi Dã Nhân quả thực từng
có một thời đoạn lịch sử rất đỗi huy hoàng, nhưng rốt cục đó là nền văn
minh hiển hách như thế nào? Vì sao lại không hề có bất kỳ tài liệu ghi
chép liên quan nào? Và ai, xuất phát vì mục đích gì đã cố tình hủy hoại
tất cả những vết tích cổ xưa vốn có thể vén bức màn bí mật che đậy
gương mặt thật của nó?
Dân gian Miến Điện còn lưu truyền một thuyết pháp: “Để bảo vệ
bí mật chôn vùi trong núi Dã Nhân, người xưa đã cài đặt trùng điệp
những cạm bẫy và trở ngại, làm cho bất kỳ kẻ nào có ý đồ rình trộm bí
mật này, đều dính lời nguyền tà ác, cho dù chết đi cũng khó lòng giải
thoát”. Bởi vậy mà người bản địa sợ núi Dã Nhân hơn cả sợ quỷ, không
ai dám lại gần nó nửa bước.
Rất lâu trước đây, Tư Mã Khôi đã sớm nghe đồn về những truyền
thuyết này, lúc đó anh còn không tin lắm, nhưng giờ đây khi bản thân
cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, thì mới hiểu trong núi Dã Nhân quả
thực ẩn chứa quá nhiều bí mật. Tuy anh tham gia quân đội nhân dân cộng
sản Miến Điện gần chục năm, nhưng lại không biết rõ lắm về lịch sử cổ
đại của Miến Điện, Campuchia. Anh vừa đi vừa hỏi Ngọc Phi Yến ở phía
sau: “Theo cô, trong núi có mộ cổ không?”
Ngọc Phi Yến trả lời: “Tôi chưa bao giờ nghe nói trong núi Dã
Nhân có huyệt mộ gì cả. Những nước Đông Nam Á như Miến Điện, Thái
Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam v.v... đều bị nền văn minh Ấn Độ và
Trung Quốc cổ đại ảnh hưởng sâu sắc, nên lăng tẩm các đế vương quý
tộc trong lịch sử vô cùng chú trọng đến vấn đề ‘thành phủ thâm u’. Tất
cả những di tích mà chúng ta vừa gặp trên đường tuy rằng cổ quái,
nhưng không giống với hình dáng những loại tồn tại trong mộ táng, về
điểm này, tôi khẳng định không thể nhìn lầm.”