Môi Sơn, đổi quốc hiệu là Đại Thuận. Thiên hạ bách tính cứ ngỡ từ nay
lại được an cư lạc nghiệp, đâu ngờ lại xuất hiện tên Tổng binh Ngô Tam
Quế nổi giận vì bị cướp mất hồng nhan tri kỷ, đã mở cửa Sơn Hải Quan
cho quân Thanh tràn vào. Đội quân giáp sắt giương cao bát kỳ hành quân
như gió cuốn tiến về phía nam, đi đến đâu thắng như chẻ tre đến đó, cứ
thế hùng cứ Trung Nguyên, nhưng nước Đại Thanh vẫn dựng đô ở Bắc
Kinh, cô có biết vì sao không? Chỉ bởi vì vị hoàng đế Mãn Thanh đó
cũng nhìn trúng ý địa hình Bắc Kinh của chúng ta, rõ ràng không phải
vùng tầm thường, đất này phía bắc có núi Yến Sơn, phía tây tiếp giáp
dãy núi Thái Hành Sơn, phía đông vươn ra biển Bột Hải, phía nam trấn
áp núi Hoa Hạ. Quả thật có thể gọi đây là “kim phủ thiên thành”, là nền
móng không thể lung lay của vạn cổ ngàn năm.
Từ khi Mãn Thanh làm chủ Bắc Kinh đến nay, liên tiếp mấy đời
minh quân thánh chủ, trọng dụng hiền tài, dân no nước mạnh, trọng thị
canh nông, bình định mọi cuộc phản loạn, cuối cùng cũng khiến bốn biển
thống nhất, muôn dân quy thuận.
Nào ngờ, sau thời Khang Hy, Càn Long trị vì đất nước, lại chẳng
ngăn cản nổi sự luân chuyển thịnh suy, thế sự biến đổi, cuối cùng cương
triều bại hoại, đại cục hỗn loạn đến nỗi không thể chỉnh đốn nổi nữa.
Mắt nhìn liên quân tám nước tràn vào Bắc Kinh, Từ Hy thái hậu buộc
phải bỏ kinh chạy trốn, trên đường khênh kiệu tháo chạy, thời tiết hanh
khô, nước non thiếu thốn, mặt trời chói chang xuyên suốt tầng không,
tịnh chẳng bóng mây, lão Phật gia trong người bốc hỏa, tai ù mắt mỏi,
nỗi khổ chẳng thể nói thành lời, ngự y chữa trị bằng nhiều phương pháp
nhưng vẫn vô hiệu. Đúng lúc sắp sửa hấp hối lìa đời, may mà có một vị
cung sử theo hầu dâng lên thái hậu một cái móc ngoáy tai lung linh tinh
xảo - mà nước Xiêm từng cống tặng trước đây. Sau khi được chính tay
tổng quản thái giám Lý Liên Anh ngoáy tai lấy ráy ra, mang cục ráy đặt
lên bàn cân, thấy nặng hơn hai hoa, Từ Hy thái hậu hạ được nội hỏa
trong người, phút chốc cảm thấy tinh thần sảng khoái, tai thông mắt rõ,
bởi vậy mà sống lại, trở về Bắc Kinh chủ trương nghị hòa với bọn giặc
Tây, ký kết hiệp ước Tân Sửu.