Lăng, tất cả những thứ khác mỗ không cần, mỗ chỉ cần chiếc chén Cửu
Long chôn cạnh thi thể vua Khang Hy, còn lại anh em huynh đệ muốn
chia nhau thế nào thì tùy ý.”
Mọi người đều đồng lòng nhất trí. Tối hôm đó trăng sáng sao thưa,
đội trộm mộ đem theo các loại dụng cụ xâm nhập khu lăng mộ. Hội Điền
Hóa Tinh thông thạo địa hình ở đây hơn đội quân phiệt nhiều. Không tốn
bao nhiêu công sức, bọn họ đã tìm thấy vị trí ngôi mộ, chặn đứng mạch
nước, rồi mạo hiểm xông vào bên trong lăng tẩm. Bọn Điền Hóa Tinh
định cậy nắp từng chiếc quan tài của hoàng đế và các phi tần ra để tìm
kiếm bảo vật, ai ngờ khi Điền Hóa Tinh vừa bật một nắp quan tài lên,
ghé đèn vào bên trong nhìn thì thấy người chết nằm trong quan tài trừng
trừng nhìn hắn ngoác miệng cười.
Có câu: “Kẻ trộm chột dạ, kẻ đào mộ sợ ma” nên cũng có thể do
Điền Hóa Tinh tự mình dọa mình, nhưng trong ánh nến chập chờn lúc ấy,
không ai rõ rốt cục đã xảy ra chuyện gì, chỉ biết sau cú hoảng hồn đó,
Điền Hóa Tinh sợ đến nỗi hai chân mềm nhũn quỳ gục trên đất, sắc mặt
tái nhợt, hai hàm răng va vào nhau lập cập, run rẩy đến rúm ró, canh ba
thì được đồng bọn khênh về nhà, muốn cậy miệng hắn để đút một thìa
canh nóng cũng không được, chưa đến năm ngày sau thì hắn rũ áo chầu
trời.
Tuy Điền Hóa Tinh chân đã bước vào địa phủ, nhưng nhị đệ của
hắn là Điền Hóa Phong vẫn coi nhẹ sống chết, đêm hôm sau lại lần mò
vào địa cung Cảnh Lăng. Cuối cùng, hắn cũng trộm được “Cửu Long
Bôi”, nhưng khi mở nắp quan tài, đột nhiên một ngọn lửa màu xanh từ
bên trong vụt phun ra, thiêu mù một con mắt của Điền Hóa Phong, và
dung mạo của hắn cũng bị hủy hoại một nửa. Từ đó, hắn bị mọi người
đặt cho biệt danh “Mặt quỷ”.
Chưa đầy nửa năm, bọn đạo tặc, trong đó có cả “Mặt quỷ” Điền
Hóa Phong đều bị quan phủ tóm sống ở Bảo Định, Hà Bắc rồi bị xử bắn,
tất cả châu báu ăn trộm đều bị tịch thu. Nhưng số báu vật lấy được ở
Cảnh Lăng để trong quan khố cũng không cánh mà bay, tới giờ vẫn
không ai rõ tung tích, để lại một mớ nghi vấn.