hoang dã, tìm kiếm cứu viện hay phân biệt phương hướng v.v... anh đều
nắm rõ như lòng bàn tay. Anh quay sang nói với Ngọc Phi Yến: “Địa
hình vùng núi Miến Điện cực kỳ phức tạp, muốn đảm bảo an toàn, thì
phải cố gắng thực hiện theo phương châm - đi chỗ cao, chớ đi chỗ thấp,
đi đường rộng, chớ đi đường hẹp, đi dọc chớ đi ngang, băng rừng chớ lội
cỏ.”
Thế mà bây giờ đội thám hiểm ở đáy khe núi tìm tung tích chiếc
máy bay tiêm kích vận tải bị mất tích, trong bốn điều cấm kỵ, họ đã
phạm phải ba. Thứ nhất, đi xuyên vào trong huyệt động, tức là đi nơi
thấp, thứ hai sự hạn chế của địa hình và môi trường, khiến tầm nhìn trở
nên vô cùng hạn hẹp, tức là đi nơi hẹp, thứ ba dưới lòng đất toàn là đầm
lầy, cỏ răng cưa và lau sậy mọc um tùm rậm rạp, rất dễ bị cá sấu lén tấn
công. Có thể nói, cảnh ngộ họ gặp phải bây giờ hiểm ác đến cực điểm.
Nghe Tư Mã Khôi nhắc đến cá sấu mai phục dưới đầm lầy, mặt
mày ai nấy đều tự dưng biến sắc. Nhớ năm đó ở Miến Điện, đội quân
hơn hai ngàn tên, được vũ trang đầy đủ đến tận răng lạc bước vào đầm
lầy, do binh sỹ bị thương quá nhiều, mùi máu tanh bốc lên nồng nặc, kết
quả là dẫn dụ vô số cá sấu trườn ra khỏi đầm. Chưa đầy nửa tiếng sau,
hơn hai ngàn con người gần như đều trở thành miếng mồi sống nuôi cá
sấu. Căn cứ vào tập tính của loài này là, sau khi phát hiện ra con mồi, nó
không lập tức tấn công ngay, mà trước tiên sẽ quan sát kỹ một hồi,
nhưng khi có con nhào lên trước, thì đồng loại sẽ thi nhau phi lên tranh
mồi. Lúc đó kết cục như thế nào, đương nhiên chẳng cần nói thì ai cũng
tự rõ.
Tư Mã Khôi lại nói: “Trước mắt chỉ biết chiếc máy bay vận tải đại
khái hạ cánh ở cực nam khe núi, nhưng huyệt động dưới lòng đất thênh
thang thâm u như thế này, dựa vào mấy khẩu súng của chúng ta, mạo
hiểm đội mưa dò dẫm đi tìm trong đầm lầy, thì biết đến bao giờ mới
thấy?”
Ngọc Phi Yến bị Tư Mã Khôi vặn lại thì máu quyết tâm đã nguội
đi quá nửa, lặng lẽ hỏi: “Theo như anh nói, chẳng lẽ chúng ta không còn
cơ hội nào tìm thấy chiếc máy bay tiêm kích vận tải đó sao?”