một loại gỗ khá giống với họ gỗ hông (Paulownia) ở châu Á. Loại gỗ
này không nứt không cong, dễ gia công, khả năng chịu chấn động tốt,
không dễ bị biến dạng và không dễ cháy, nên nó rất thích hợp để làm đồ
gia dụng hoặc sửa chữa nhà cửa. Nếu nhìn thấy trong nhà người bản địa,
có những đồ gia dụng đơn giản do mấy tấm gỗ ván ép cũ kỹ lắp ghép
thành, thì chẳng cần hỏi cũng biết, nguyên liệu chắc chắn được lấy từ
chiếc tiêm kích của quân đội Hoàng gia Anh.
Những điều này đều là điều ai cũng biết, bình thường đến mức
không thể bình thường hơn nữa, làm gì có chỗ nào đặc biệt? Nhưng Tư
Mã Khôi từng được truyền thụ Kim điển, hiểu được cái lý “tướng vật”,
đó là căn bản khởi nghiệp của tổ tiên, giờ đây trên thế giới, ngoại trừ anh
ra, thì chẳng còn người thứ hai có được bản lĩnh này nữa.
Vậy thế nào là “tướng vật”? Thời xưa thường có các thuật sĩ xem
tướng số cho người sống, dựa vào ngũ quan diện mạo và khí sắc để phán
đoán cát hung phúc họa cho họ, ngoài ra còn có thầy địa lý xem “tướng
đất”, nghĩa là thông qua bố cục địa hình phong thủy để phán đoán sông
núi địa lý. Bên cạnh đó còn có rất nhiều hạng mục tạp nham như tướng
mèo, tướng bò, tướng ngựa v.v... Thế nhưng tất cả quy nạp lại, cổ pháp
đó toàn bộ đều thuộc về đạo “tướng vật”.
Thời xưa, đạo chỉ “tướng vật” nhìn tên mà biết nghĩa, “tướng” tức
là chỉ vật có thể dùng mắt nhìn thấy, còn về hàm ý của “vật” bao trùm
phạm vi vô cùng rộng lớn, vạn vật trong cõi trời đất, bất kể sống chết gì,
đều được coi là “vật”. Là vật tất phải có thuộc tính, chẳng có cái gì
không hợp lẽ âm dương sinh khắc.
Người xưa giải thích về nguyên lý “tướng vật” như sau: “Thiên địa
vốn vô vi, thuộc tính vạn vật vốn dĩ đã có, muốn miêu tả vạn vật, hãy
xem tạo hóa nhỏ bé của nó, mà phân biệt thời số vận hạn, sẽ linh ứng
như thần phán.”
Lời này hàm ý quá sâu xa, nếu nói đơn giản, rõ ràng hơn một chút,
thì ta có thể lấy một ví dụ tương đối trực quan để hình dung: “Bỏ một
giọt nước mắt vào ống rồi mang vào phòng thí nghiệm, từ đó ta rất dễ