đường hầm, tồn tại vô số những huyệt động lớn giống như tổ kén, đường
kính khoảng trên dưới một mét, mà ánh sáng đèn pin soi không tới đáy.
Lúc này đèn đã hết sạch pin, trong tay bốn người chỉ còn ngọn đèn
tiết kiệm điện sử dụng được. Tư Mã Khôi thường đặt mạng sống trên
chiến mã, giáp sắt, coi dao súng là bạn, dường như ngày nào cũng “treo
sọ ngang thắt lưng quần”, chẳng hề bận tâm đến sự sống chết, nhưng cứ
nghĩ phải lạc vào miền đất tối tăm âm u, chẳng nhìn thấy gì, thì trong
lòng anh cũng khó tránh khỏi cảm giác ngộp thở đến khó chịu. Anh dự
định nhân lúc còn nguồn sáng, phải mau chóng hành động, nếu không
hoàn cảnh sẽ càng trở nên gian nan hơn. Lắng tai nghe ngóng, thấy gần
đó hoàn toàn im ắng, anh bèn dẫn đầu đội thám hiểm, giẫm chân lên
tượng đá bị đổ vượt sông, sau đó giơ đèn lên, lần lượt đón ba người còn
lại sang.
Bốn người chỉ có thể dựa vào chút ánh sáng yếu ớt của một ngọn
đèn, họ biết chỉ cần cách xa một chút là hoàn toàn rơi vào bóng tối đen
ngòm, bởi vậy chẳng ai dám lơ là, người nọ bám sát người kia, nửa bước
không rời. Đợi khi tất cả đều sang được bờ đối diện, họ soi đèn lên trước,
chỉ thấy trong động có một hàng tượng người sơn màu, tướng mạo xấu
xí, đáng sợ, vừa đen vừa béo, râu ria xồm xoàm, trang phục quái dị. Mọi
người lại nhìn mấy nơi khác thì thấy chỗ nào cũng như vậy, đếm đi đếm
lại thấy có tất cả chín bức tượng, được đặt trong hốc đã lõm sâu vào lõi
tường.
Tư Mã Khôi phát hiện phần tường lõm vào, phía sau thân tượng
sơn màu có điểm khác thường, anh liền lại gần quan sát, thì thấy ngoài
riềm có vết nứt rất rõ ràng, liền thắc mắc: “Những chỗ này dường như
đều là cánh cửa ngầm, hơn nữa còn được sắp xếp theo thế ‘Cửu cung
tổng nhiếp’ đời Hán, như vậy thì từ trái qua phải, cửa thứ bảy chắc là cửa
sinh thì phải. Có điều không biết vua Chăm Pa có hiểu về lý luận thuật
số này không nhỉ?”
Hải ngọng sốt ruột thúc giục: “Nghĩ lắm làm gì cho mệt, nói không
chừng người ta cũng từng đến Trung Quốc du học rồi cũng nên, hơn nữa
có khi lại còn đào sâu nghiên cứu bộ môn này ấy chứ,” nói xong liền bảo