quá ít ỏi, không tiện điều động xử lý công việc. Ông bèn viết báo cáo xin
phóng thích một số phạm nhân có tình tiết phạm tội tương đối nhẹ, cho
họ cơ hội lấy công chuộc tội, phục vụ nhân dân. Thế là hội lão Lưu Hoại
Thủy liền được thả ra khỏi trại giam, bọn họ luôn đi theo giáo sư Thắng
Thiên Viễn làm trợ thủ và công nhân thời vụ. Sau này, rất nhiều nơi học
theo chính sách này, mời một loạt các cao nhân thời cũ vào đội khảo cổ
trợ giúp công tác khai quật, nhưng theo quy định có liên quan, những
người này không được phép chuyển đổi thành nhân viên chính thức, tất
cả đều do Cục lao động nhất loạt quản lý và được trả công theo chế độ
đãi ngộ như nhân viên tạp vụ lo trà nước điếu đóm.
Khi đại Cách mạng Văn hóa của giai cấp vô sản bùng nổ toàn diện,
tuyệt đại đa số cán bộ và thành phần trí thức làm việc trong các bảo tàng
và vụ viện đều bị đẩy xuống vùng nông thôn cải tạo tư tưởng, chỉ có
những công chức bệnh tật già yếu mới được giữ lại đơn vị cũ. Hội lão
Lưu Hoại Thủy vì thuộc thành phần giai cấp công nhân, toàn bộ hồ sơ
trước đây đều bị hỏa hoạn thiêu cháy, nhờ vậy mới thoát nạn, đồng thời
được sắp xếp làm công tác quét dọn nhà vệ sinh trong thành phố. Bọn
lão che giấu thân phận thật sự, cúp đuôi làm người, lén lút mua bán đồ
cổ.
Chính bởi vậy, lão Thủy ma trống mới không quên ân nghĩa sâu nặng
của giáo sư Thắng Thiên Viễn. Theo lời kể của lão, giáo sư Thắng Thiên
Viễn là người có tư tưởng phóng khoáng, hòa đồng với mọi người, tuy
thân là bậc lãnh đạo, lại từng đến Việt Nam, Ai Cập. Là chuyên gia khảo
cổ tầm cỡ quốc gia, nhưng ông không bao giờ tỏ ra hống hách với cấp
dưới. Nhiếp ảnh, khiêu vũ, sưu tầm, cưỡi ngựa, săn bắn… thú vui nào
ông cũng yêu thích, chơi cái gì cũng kiệt xuất, làm cái gì ra cái nấy, lại
không đạo đức giả như những bậc trí thức bình thường khác, cũng không
ưa mặc đồ tây, đeo đồng hồ đắt tiền, phong thái lúc nào cũng nho nhã
ung dung, bởi vậy hội lão vẫn ngầm gọi giáo sư là ông chủ Viễn. Nhưng
lúc ông chủ Viên cùng đội khảo cổ ra hiện trường làm việc, thì lão Lưu
tận mắt chứng kiến giáo sư phăng phăng vượt núi băng rừng bằng chân
đất, mùa hè không gạt mồ hôi, mùa mưa không giương ô che, bất luận