đây sẽ dẫn chú mày đi đây đó mở rộng tầm mắt. ông già nhà anh
làm thiếu tướng, anh ở nhà lầu, đi “giải quyết nỗi buồn” cũng
chẳng bao giờ cần ra khỏi phòng…”
Hổ Tử là đứa con chính hiệu của núi rừng, tuy lớn từng này
nhưng chưa bao giờ ra đến huyện thành, nên đầu óc rất đỗi đơn
giản, nói dễ nghe hơn thì cậu ta là người yêu ghét phân minh, còn
nói khó nghe hơn một chút thì cậu ta là hạng ruột để ngoài da ngốc
nghếch. Cậu ta vốn dĩ đã vô cùng khó chịu với hành vi đốt lửa
trong khu vực rừng của hội Tư Mã Khôi, cho rằng đối phó với loại
người này, không cần giải thích dài dòng, chỉ cần tóm cổ đem về là
xong. Tư tưởng của cậu ta cũng ấu trĩ như loài vịt mở mắt thấy ai,
người đó sẽ là mẹ, cậu ta ban đầu đã nhận định thế nào, thì sau này
mãi mãi trung thành với nhận định ấy. Chính vì thế, Hổ Tử vừa
nghe Hải ngọng nói mấy câu, đã cảm thấy anh bốc phét, trong lòng
càng thêm tức giận: “Trên đời này làm gì có ai ‘giải quyết nỗi
buồn’ ngay trong nhà, nhà của anh đúng là còn không bằng cái ổ
chó”.
Hải ngọng cho rằng, mình là người từng tham gia cách mạng
thế giới, là người từng trải, đi nhiều hiểu rộng, còn Hổ Tử chỉ là
cậu dân binh quê mùa ở miền núi, tầm nhìn hạn hẹp, tư tưởng giác
ngộ của hai người căn bản không cùng một tầng lớp, lời nói cũng
không tâm đầu ý hợp, càng nghe càng không thể chịu được, nên thà
không ai thèm để ý đến ai cho xong.
Nhóm người chia ra thành hai tổ, men theo con đường vượt núi,
đến lúc xế chiều ngày thứ hai, cả hội mới đến được ngọn núi chính
là Đại Thần Nông Giá. Trên núi, tùng trúc che khuất bầu trời, biển
cây rừng mênh mông, cản trở gió và ánh sáng nguyên thủy của thế
giới bên ngoài xâm nhập vào. Một tòa tháp canh đứng sừng sững
trong rừng rậm ở sườn bắc, phía dưới chân tháp có gian nhà gỗ. Đó
chính là trạm thông tin cứu hỏa được lắp đặt máy bộ đàm không
dây. Ngoại trừ những ngày đại hàn, tuyết lớn phong tỏa núi, còn
bình thường ở đây lúc nào cũng có một nhân viên bảo vệ rừng gác
trực.