Trách nhiệm của nhân viên bảo vệ rừng cũng vô cùng quan
trọng, ngày xưa đều do một thợ săn cao tuổi đảm nhiệm, đồng thời
người này còn phải phụ trách cả công tác tuần núi. Sau này trạm
điện đàm không dây được thiết lập, mới sửa đổi quy định, nông
trường cắt cử dân binh lần lượt thực hiện nhiệm vụ. Vì giao thông
trong núi sâu bị tắc nghẽn, vả lại dân binh đã qua khóa huấn luyện
thông tin đơn giản cũng chẳng có mấy người, nên thông thường
phải vài tháng mới thay ca một lần, điều kiện công tác và sinh hoạt
ở đây còn gian khổ hơn vùng ven rừng nhiều.
Lúc mọi người đến trước cửa trạm thông tin, ở nơi sâu trong
rừng rậm vẫn vọng lại tiếng gió ào ào như những đợt sóng. Phía
bên trong gian nhà gỗ tối thui, không có ánh đèn, con chó săn
dường như đánh hơi thấy mùi nguy hiểm, nó đột nhiên chĩa mồm
về phía trạm thông tin sủa vang mấy tiếng, dường như muốn cảnh
cáo chủ nhân không nên đến gần.
Cậu dân binh Hổ Tử nổi tiếng liều mạng từ nhỏ, cậu ta không
buồn nghĩ ngợi, xông thẳng lên đẩy cửa, nhưng phát hiện cánh cửa
đã bị khóa từ bên trong.
Để phòng dã thú, tránh gió và giữ ấm, toàn bộ vật liệu xây dựng
trạm thông tin đều sử dụng gỗ lãnh sam có đường kính thân cây
dày nửa mét, tuy là kết cấu bằng chất liệu gỗ nhưng vô cùng kiên
cố, hơn nữa phía trước chỉ có một rãnh cửa, cửa sổ đóng ván gỗ,
nếu bên trong không có người thì tuyệt đối không thể khóa cửa ở
bên trong.
Hổ Tử lớn tiếng cất giọng gọi tên của nhân viên gác trực, cậu ta
lại dùng hết sức gõ vào cửa thật mạnh, nhưng cửa trạm thông tin
vẫn đóng chặt, im ỉm lặng ngắt.
Tư Mã Khôi thầm nghĩ: “Không chừng người gác rừng đột tử
trong trạm rồi cùng nên, vì thế điện đàm mới đứt liên lạc như vậy”.
Anh lập tức ghé sát mặt qua khe cửa sổ nhòm vào, lấy đèn pin soi,
định nhìn xem tình hình trong phòng.