Cậu dân binh Hổ Tử tuy liều, nhưng chung quy vẫn là dân quê chưa bao
giờ bước ra khỏi lũy tre làng, nên không tránh khỏi tâm lý mê tín. Vùng
núi phía tây tỉnh Hồ Bắc có phong tục, điều tối kỵ nhất là không để ma
nhìn thấy chó đen, nếu không người chết sẽ sống dậy. Chính vì vậy mà
cậu ta kiên quyết không đồng ý cho chó săn vào trong phòng. Cao Tư
Dương thấy không thuyết phục nổi cậu ta, liền để cậu ta tạm thời đứng
gác bên ngoài, những người còn lại bật đèn pin, vào trong lục soát kỹ
từng ngóc ngách trong trạm thông tin.
Tư Mã Khôi đi đầu. Anh tinh mắt phát hiện tấm ván lát nền nhà dường
như có dấu tích bị xô đẩy, dường như không còn ở đúng vị trí cũ, nên
thầm nghĩ: “Chẳng lẽ dưới sàn có đường ngầm?”, rồi lập tức gọi Hải
ngọng đến giúp một tay nạy tấm ván lên. Trước mắt, quả nhiên lộ ra một
cái hầm hình vuông, sâu như cái giếng, mùi ẩm mốc phả ra từ bên trong,
vị trí cửa hầm cũng không được che đậy kín kẽ lắm, nếu không bị ván
sàn che phủ, thì chỉ cần bước chân vào trong nhà là lập tức nhìn thấy.
Xem ra, có lẽ nó là hầm chứa thức ăn. Dân binh gác rừng gác một ca dài
cả một, hai tháng, nơi đây lại rất cao so với mực nước biển, nên gặp lúc
thời tiết nóng bức thì ở đây cũng hơi nóng một chút, bởi vậy rất cần loại
hầm này để dự trữ lương thực và rau cỏ.
Lòng hầm đất rất rộng rãi, nhưng độ sâu thẳng đứng chỉ khoảng hai ba
mét, bên trong bốc mùi ẩm mốc, lanh lẽo; khi chiếu đèn pin ra góc phía
xa, thấy có một thi hài không còn nguyên vẹn da thịt, dường như bị dã
thú gặm mất, xương sườn trước lồng ngực lòi cả ra ngoài, thi thể đã bắt
đầu biến sắc, nếu không phải không khí dưới hầm đất âm lạnh, thì có lẽ
nó đã sớm mục ruỗng, rữa nát từ lâu. Ngoại trừ cỗ tử thi đó ra, thì không
còn tồn tại bất kì sinh vật nào khác trong gian nhà gỗ kín mít và lòng
hầm đất ẩm mốc này.